Nông dân Long An sẵn sàng phương án đón lũ muộn sắp về
Tỉnh Long an đã có chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra.
lpTrước thông tin từ Ủy hội sông Mekong quốc tế, nước lũ sông Mekong sẽ về đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong vài ngày tới, đến thời điểm này nông dân khu vực Đồng Tháp Mười tỉnh Long An đã hoàn thành việc thu hoạch gần 90% diện tích lúa, tiến hành làm đất sẵn sàng các phương án đón lũ.
Vụ Hè thu năm nay, các huyện đầu nguồn của Long An có khoảng 300.000 ha được gieo sạ thì đến thời điểm này đã cơ bản thu hoạch xong. Riêng khu vực Đồng Tháp Mười còn hơn 10.000 ha lúa đang tiến hành thu hoạch. Một số nông dân đang cải tạo đất để triển khai mùa vụ mới. Trước thông tin sẽ có lũ về trong vài ngày tới bà con rất phấn khởi.
Ông Trần Văn Năm, nông dân huyện Tân Hưng nói: “Nông dân đang mong đợi lũ về, có lũ về thì được một lượng cá, trong lúc bà con thu hoạch có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi, phần nữa có thêm lượng phù sa cho mùa vụ sau, nên bà con nông dân trông chờ lắm”.
Mùa lũ năm nay về muộn hơn 1 tháng, đến thời điểm này, mực nước lũ tại các huyện khu vực Đồng Tháp Mười vẫn còn thấp hơn 1.0m so với cùng kỳ. Dự kiến đợt lũ về đến khu vực Tân Châu – An Giang rồi về đến khu vực Đồng Tháp Mười sớm nhất khoảng 1 tuần nữa.
Hai huyện đầu nguồn là Tân Hưng, Vĩnh Hưng và các địa phương khác trong khu vực như: Mộc Hóa, Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hóa cũng đã có các phương án đón lũ, tổ chức tuần tra canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống dưới đê. Đặc biệt là các tuyến đê bao vùng thượng nguồn; chủ động tiêu úng đảm bảo an toàn, để giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ, nhất là trong nuôi trồng thủy sản.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An cho biết: “Các huyện đầu nguồn của tỉnh cũng có tư thế phòng chống lũ tuy nhiên năm nay về chậm và cường xuất lũ cũng không lớn lắm nên cũng chưa ảnh hưởng gì. Đồng thời diện tích lúa hè thu tại khu vực Đồng Tháp Mười qua ghi nhận đã thu hoạch được 80 đến 90% phần còn lại sẽ thu hoạch kịp, khả năng sẽ không có ảnh hưởng lũ”.
Chủ động ứng phó và hỗ trợ bà con khi tình hình lũ có diễn biến phức tạp, ngoài các ngành chức năng của tỉnh các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn cũng đã chủ động các phương án giúp dân gia cố đê điều...
Trung tá Phạm Hồng Vân, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết: “Năm nay, tình hình lũ về hơi muộn, nhưng lúa thì cũng đã gặt xong, do đó các đơn vị quân đội cũng đã phối hợp các ban ngành đoàn thể sẵn sàng các kế hoạch. Đặc biệt là việc đảm bảo các công tác an ninh an toàn mùa mưa lũ năm 2019”.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đỉnh lũ năm 2019 đến muộn so với trung bình nhiều năm, xuất hiện khoảng nữa đầu tháng 10/2019, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao vẫn có thể xảy ra.
Trước tình hình này, tỉnh Long an đã có chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nong-dan-long-an-san-sang-phuong-an-don-lu-muon-sap-ve-953394.vov