Nông dân Mang Yang tiêu thụ nông sản qua mạng xã hội
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa bị chậm lại. Ứng phó với khó khăn này, nhiều nông dân ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã tìm cách đưa nông sản lên mạng xã hội kết nối với người tiêu dùng.
Nhờ chăm chỉ đăng bán hàng trên mạng xã hội nên ông Phạm Xuân Hưng (làng Đak Trôk, xã Đak Yă) đã phần nào giải quyết đầu ra cho 5 ha cây ăn quả trồng xen với hồ tiêu. Ông chia sẻ: “Nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm, tôi thường livestream vườn cây hoặc trái cây sắp thu hoạch. Bằng cách tiếp thị trực quan này, nhiều khách hàng tin tưởng và liên hệ với tôi. Nhờ đó, sản phẩm được bán hết. Vừa rồi, một thương lái chuyên gom hàng xuất đi Thái Lan đã đến vườn của tôi để quay trực tiếp sản phẩm bơ Cuba và đã được khách hàng đồng ý chốt đơn mua hàng”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thường (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng) cũng dùng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm trái cây của gia đình. Ông Thường cho biết, vườn cây ăn quả của gia đình gồm bơ, na, sầu riêng xen canh với cà phê và hồ tiêu trên diện tích 6 ha. Ngoài bán trực tiếp cho thương lái, ông tích cực đăng bài trên trang Facebook cá nhân và chia sẻ qua các hội, nhóm để tìm khách hàng tiềm năng. “Qua việc đăng hình ảnh, video, khách hàng thấy được sản phẩm mình cần nên việc chốt đơn hàng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Có những khách hàng sau khi xem sản phẩm đã đồng ý chốt đơn cả tấn trái cây. Tôi chỉ việc thu hoạch, gửi xe chuyển đi là họ chuyển tiền thanh toán sòng phẳng”-ông Thường nói.
Trong khi đó, qua 6 năm trồng cây ăn quả, ông Phạm Xuân Hảo (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng) đã có lượng khách hàng ổn định từ việc quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. “Ban đầu, tôi dùng trang Facebook cá nhân để đăng hàng bán cho người quen. Sau đó, tôi tiếp tục giới thiệu lên các trang mạng như: Tôi là dân Mang Yang, Chợ đầu mối hoa quả Gia Lai, Chợ tốt Gia Lai, Chợ đầu mối trái cây toàn quốc… Thông qua các hội nhóm này, tôi không những bán được sản phẩm mà còn nắm bắt được giá cả và nhu cầu tiêu thụ. Do đó, tôi không còn phụ thuộc nhiều vào giá thương lái nữa”-ông Hảo chia sẻ.
Ông Trần Đức Tiến-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Djrăng-cho hay: “Nhiều nông dân trên địa bàn xã trước đây vốn chỉ quen với việc chăm sóc vườn cây, ít tiếp xúc với các kênh bán hàng hiện đại thì nay phải bắt đầu tìm hiểu phương thức bán hàng qua mạng xã hội. Thông qua việc quảng bá bằng hình ảnh, video sản phẩm đăng trên các hội, nhóm, trang cá nhân đã giúp họ có được nguồn khách hàng rộng rãi”.
Trao đổi với P.V, bà Phan Thị Dung-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho biết: Toàn huyện có khoảng 2.200 ha cây ăn quả. Khoảng 1-2 năm gần đây, mạng xã hội đã hỗ trợ đáng kể cho các hộ sản xuất giới thiệu bán nông sản của mình làm ra. Chính sự nhạy bén trong việc sử dụng mạng xã hội, nhiều nông dân đã tiếp cận với những đầu mối thu mua ngoài tỉnh, tạo mối liên kết lâu dài trong việc tiêu thụ sản phẩm, không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái như trước đây.