Nông dân mỏi mắt tìm nước tưới trong mùa khô

Nhiều hồ, đập ở Đắk Lắk và Gia Lai trơ đáy, hàng trăm hecta cây trồng trong tình trạng khô héo, người dân đang phải chống chọi với khô hạn mặc dù mới bắt đầu mùa khô.

Mới bước vào mùa khô nhưng tại nhiều nơi ở tỉnh Đắk Lắk, người dân đã phải gồng mình chống hạn, tìm nguồn nước tưới cho hàng trăm hecta cây trồng.

Đập, hồ… trơ đáy

Đứng trên lòng hồ thủy lợi trơ đáy ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk), trước mắt chúng tôi là cảnh đất nứt nẻ vì nắng nóng nhiều ngày. Trên lòng hồ khô cằn, nứt nẻ một số người dân đang đào những chiếc ao nhỏ để tìm nước cứu cà phê đang héo úa. Anh Y Liếc Niê đang xốc tay cùng hai nông dân nối đường ống dài mấy trăm mét dẫn đến rẫy cà phê nhà mình. “Trời khô hạn lắm, đã hơn 20 ngày không có nước rồi, cây trồng đang thiếu nước trầm trọng. Hồ thì đất nứt nẻ hết, năm nào cũng hết nước tưới khi đến mùa này” - anh Y Liếc Niê nói.

Theo anh Y Liếc Niê, nhà anh trồng hơn 3 ha cà phê nhưng nước tưới thì cạn kiệt từ lâu. Để tìm nguồn nước, một số hộ dân phải đào giếng nhưng nhiều khi đào xong cũng không có nước, vừa mất công lại tốn tiền. Riêng với ao đào giữa lòng hồ thủy lợi, mỗi ngày cũng chỉ bơm hơn 2 giờ rồi lại phải chờ nước hồi.

Ông Phan Quang Toa (huyện Ea H’leo) cho biết: “Năm nay khô hạn, tôi làm có hơn 1,3 ha cà phê mà đuối quá vì thiếu nước. Vùng này nhiều năm cứ đến mùa là cây trồng khô héo vì tìm không ra nước tưới. Đào giếng để tưới tạm cho cây trồng chứ cũng không ăn thua. Những năm có mưa thì người dân cũng đỡ, bây giờ thì khô hạn nên cây trồng héo khô, chết hết”.

Tương tự, tình trạng hạn hán khiến hồ, đập trơ đáy còn diễn ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Thông tin từ huyện Krông Bông, huyện Ea Kar ngay đầu mùa khô, nhiều hồ, đập thủy lợi trên địa bàn huyện đã cạn kiệt nguồn nước, không còn khả năng phục vụ tưới tiêu. Hàng trăm hecta cây trồng, hoa màu trên địa bàn các xã Cư Pui, Ea Trul, Cư Đrăm, Yang Mao bị thiệt hại do hạn hán. Trong đó, nhiều diện tích đất trồng lúa đang trong giai đoạn nứt nẻ.

Lòng hồ thủy lợi ở Đắk Lắk nứt toác do khô hạn. Ảnh: HT

Lòng hồ thủy lợi ở Đắk Lắk nứt toác do khô hạn. Ảnh: HT

Diễn biến phức tạp

Dẫn chúng tôi đi thực địa nơi được cho là khô hạn nhất huyện, ông Hồ Tấn Cư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Kar, nói rằng hiện nay khô hạn đang diễn biến phức tạp tại địa phương. Tuy chưa đứt nước nhưng nếu kéo dài thời gian khô hạn có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới tiêu trầm trọng đối với nhiều hộ dân trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 ha cây trồng chủ yếu là lúa nước và hoa màu bị thiệt hại do hạn hán. Hiện trên địa bàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi (118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa) nhưng mực nước của nhiều công trình đang giảm nhanh do quá trình phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng. Các hồ chứa nhỏ, lượng nước trữ còn dưới 40% dung tích thiết kế, trong đó có 19 hồ cạn khô. Các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng 50%-70% dung tích thiết kế.

“Việc xây dựng hồ Krông Pắk Thượng có vai trò quan trọng trong việc chống khô hạn, có thể giải quyết tưới tiêu cho người dân với diện tích gần 15.000 ha và cung cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, muốn sử dụng hiệu quả thì cần phải có các kênh nội đồng dẫn nước từ hồ vào tưới tiêu. Người dân rất mong chính quyền và trung ương hỗ trợ để công trình này sớm được đưa vào sử dụng, đây là nhu cầu rất cấp thiết” - ông Cư nói.

Trong khi đó, người dân ở huyện Ea H’leo kỳ vọng vào việc sớm xây dựng hồ Ea H’leo để giải tỏa phần nào cơn khát sau nhiều năm khô hạn. Hiện nay, công trình đang trong quá trình thi công và dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành trong cuối năm nay. Việc xây dựng hồ sẽ cơ bản giải quyết tưới tiêu cho gần 6.000 ha đất sản xuất và nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 10.000 người dân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả công trình trong việc phục vụ sản xuất thì cần có kinh phí từ các cơ quan, bộ, ngành để làm các kênh dẫn nội đồng.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp của huyện Ea H’leo, tình hình khô hạn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn, nhất là ở xã Ea H’leo. Người dân sản xuất dựa vào ao, giếng tự đào, một số khu vực thì khoan được giếng, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là các thôn 1, 2A… Lấy ví dụ đơn cử, năm 2016, toàn địa bàn huyện thiệt hại hơn 11.300 ha cây trồng, mất trắng gần 1.700 ha. Trong đó, xã Ea H’leo chiếm 20% trong diện tích thiệt hại này. Về nước sinh hoạt trong năm đó, 5.160 hộ, 12/12 thôn đều thiếu nước sinh hoạt.

Gia Lai: 306 ha lúa từ thiệt hại đến mất trắng

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 333,04 ha lúa nước vụ đông xuân 2019-2020 đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng bị thiệt hại do nắng hạn. Trong đó, diện tích thiệt hại từ 70% đến mất trắng trên 306 ha, thiệt hại 30%-70% trên 26 ha.

Khô hạn khiến hàng trăm hecta lúa của người dân Gia Lai bị thiệt hại. Ảnh: H.NAM

Khô hạn khiến hàng trăm hecta lúa của người dân Gia Lai bị thiệt hại. Ảnh: H.NAM

Ia Grai, nơi được xem là huyện có diện tích lớn về cây cà phê của tỉnh Gia Lai, đang bị ảnh hưởng bởi khô hạn. Trước tết Nguyên đán 2020, người dân đã tưới đợt 1. Tuy nhiên, vào đợt 2 thì nhiều dòng suối đã có biểu hiện thiếu nước, do nguồn nước mạch chảy ra không đủ nên dẫn đến việc tưới tiêu gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn hiện có hơn 17.700 ha diện tích cây cà phê. Nhằm phục vụ, đảm bảo nguồn nước tưới, huyện đã xây dựng hơn 23 công trình thủy lợi. Tuy nhiên, tình hình hạn hán năm nay chuyển biến phức tạp, nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng là rất cao.

HUY TRƯỜNG - HẢI NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/nong-dan-moi-mat-tim-nuoc-tuoi-trong-mua-kho-901012.html