Nông dân Mù Cang Chải chú trọng phát triển kinh tế tập thể

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải đã quan tâm chỉ đạo cơ sở Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó vận động hội viên nông dân liên kết sản xuất, tham gia các hình thức kinh tế tập thể như tham gia tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX).

Tổ xe ôm gồm 500 thành viên của HTX Du lịch Đồi Mâm xôi đưa du khách đi tham quan, du lịch khu vực Đồi Mâm xôi

Tổ xe ôm gồm 500 thành viên của HTX Du lịch Đồi Mâm xôi đưa du khách đi tham quan, du lịch khu vực Đồi Mâm xôi

HTX Du lịch Đồi mâm xôi xã La Pán Tẩn được thành lập vào tháng 7/2022 với 7 thành viên. HTX hiện đang thuê gần 5 ha diện tích ruộng bậc thang tại khu vực đồi mâm xôi để cấy lúa và làm du lịch. Vào các tháng cao điểm của mùa du lịch, HTX tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động thời vụ và quản lý 500 xe ôm đưa khách đi thăm quan khu vực đồi mâm xôi, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương.

Chị Giàng Thị Bầu - bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn cho biết: "Không chỉ cho HTX thuê đất mà gia đình chúng tôi còn trực tiếp làm thuê cho HTX với tiền công 150 nghìn/ngày. Ngoài ra, tôi còn cho du khách thuê trang phục truyền thống, bán thêm các sản phẩm truyền thống của người Mông cho khách du lịch để có thêm thu nhập. Từ ngày làm du lịch và có HTX, đời sống của chúng tôi đã khá hơn trước rồi”.

Giám đốc HTX đồi Mâm xôi Lý A Dờ cho biết: "HTX đã thuê bà con làm việc ngay trên chính ruộng của nhà mình để tăng thu nhập. Đồng thời gắn các hoạt động canh tác ruộng bậc thang của bà con với phát triển du lịch, quảng bá rộng rãi hình ảnh Đồi Mâm xôi đến với du khách trong và ngoài nước. Giúp bà con có thêm cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ngay trên mảnh đất quê hương”.

HTX Du lịch Đồi mâm xôi xã La Pán Tẩn chỉ là một trong những HTX, THT trên địa bàn huyện Mù Cang Chải do nông dân làm chủ đã phát huy hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho họ ngay trên mảnh đất quê hương "ly nông không ly hương”. Hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị được giao, Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở Hội tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế tập thể của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

Chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện hướng dẫn cán bộ, hội viên nông dân triển khai thực hiện các đề án, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển THT, HTX của Trung ương, của tỉnh. Trong công tác chỉ đạo đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Hội đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể ở địa phương, đưa phát triển kinh tế tập thể là một trong những nội dung quan trọng trong nghị quyết Đại hội Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở. Hội Nông dân huyện cũng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho hội viên, nông dân.

Ông Nguyễn Văn Toản - Phó Giám đốc HTX Xây dựng và Dịch vụ tổng hợp Mù Cang Chải cho biết: "Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, HTX đã phát triển được gần 1.000 đàn ong lấy mật. HTX cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp và được hỗ trợ về kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn. Các thành viên đã nắm được kỹ thuật nuôi ong, khai thác, thu gom, phòng trị bệnh một cách khoa học, thay thế hoàn toàn cách nuôi truyền thống. Cuối năm 2019, HTX đã đăng ký thành công thương hiệu "Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải”. Năm 2020, sản phẩm mật ong của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là điều kiện để HTX tiếp tục mở rộng và đầu tư cho sản xuất. Sản phẩm của HTX đang tập trung vào mật ong hoa rừng, mật ong hoa nhãn, mật ong hoa lúa nương… với giá bán 180 - 400.000 đồng/lít. Ngoài bán mật, HTX còn đẩy mạnh bán ong giống để tăng thêm thu nhập”.

Ông Trương Đăng Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải cho biết: Các cấp Hội trong huyện đã chủ động gỡ khó, tuyên truyền hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hội viên nông dân thành lập doanh nghiệp, HTX, THT với các ngành nghề đa dạng như trồng hoa, rau mầm đá, cây dược liệu, nuôi ong lấy mật...

Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã vận động thành lập 205 THT, 14 HTX và 2 chi hội nông dân nghề nghiệp; thu hút 5 nhà đầu tư, doanh nghiệp để phát triển sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; tư vấn, hướng dẫn xây dựng 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; phối hợp xây dựng 2 điểm giới thiệu, bán các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Hàng năm, các cấp Hội thường xuyên quan tâm mang các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…

Tuy nhiên, do trình độ, năng lực của các thành viên HTX, THT còn hạn chế; công tác quản lý, điều hành chưa khoa học, chưa thích ứng với cơ chế thị trường; thiếu vốn, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, công nghệ lạc hậu, nhiều HTX còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên đã ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa mang tính ổn định…

Huyện Mù Cang Chải tiếp tục xác định đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, tập trung thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng tới sản xuất hàng hóa trên cơ sở những dòng sản phẩm đặc sản, lợi thế của địa phương như: lúa hàng hóa, táo mèo, hoa hồng, rau mầm đá, lấy sản phẩm nông nghiệp để phục vụ phát triển du lịch. Để tiếp tục giúp đỡ hội viên nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tham gia các hình thức kinh tế tập thể gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hội Nông dân huyện đã làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho hội viên và nông dân.

"Hội Nông dân huyện cũng đề nghị tỉnh tổng kết thực tiễn tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các THT, HTX phát triển như về đất đai, vốn, kiến thức. Đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ THT, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã; quảng bá, giới thiệu, thu hút các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm của các THT, HTX và của hội viên nông dân. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của các tổ chức liên kết sản xuất, nhằm hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch của huyện”, ông Hùng chia sẻ..

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/304650/nong-dan-mu-cang-chai-chu-trong-phat-trien-kinh-te-tap-the.aspx