Nông dân Phong Điền bắt tay phá điệp khúc 'được mùa - rớt giá' để làm giàu
Phong Điền là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố Cần Thơ, không chỉ nổi tiếng với những vườn cây ăn trái trĩu quả mà còn là điểm sáng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong thời gian qua, huyện đã chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ số vào quản lý, canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người nông dân.
Phá điệp khúc được mùa - rớt giá
Sản xuất nông nghiệp tại Phong Điền trước đây chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự liên kết giữa các khâu sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Tình trạng “được mùa, rớt giá” xảy ra thường xuyên khiến thu nhập của nông dân bấp bênh, khó tích lũy vốn đầu tư lâu dài.
Trước thực trạng đó, huyện đã quyết liệt triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy liên kết chuỗi giá trị làm trọng tâm.

Liên kết sản xuất khi tham gia HTX giúp nông dân Phong Điền giảm nghèo, làm giàu (Ảnh: BCT)
Hiện nay, Phong Điền đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đặc biệt là trong lĩnh vực cây ăn trái – thế mạnh của địa phương. Các mô hình này không chỉ giúp đảm bảo đầu ra ổn định mà còn thúc đẩy quá trình truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Một ví dụ điển hình là mô hình trồng cam mật theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nhơn Ái, HTX Nông nghiệp tổng hợp Nhơn Ái triển khai. Với diện tích hơn 15 ha, HTX đứng ra làm cầu nối giữa nông dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ. Nhờ ứng dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, sản phẩm cam của HTX đạt chuẩn an toàn, được bao tiêu với giá ổn định, cao hơn thị trường 10-15%.
Theo thống kê, Phong Điền hiện có gần 10 HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, rau màu và thủy sản. Trong đó, mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Tân Thới đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh việc sử dụng phân bón hữu cơ và quy trình canh tác không hóa chất, mô hình còn kết hợp du lịch sinh thái vườn, giúp nông dân tăng gấp đôi thu nhập so với trước.
Một mô hình khác đáng chú ý là chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ dâu Hạ Châu – đặc sản nổi tiếng của huyện. Nhờ hợp tác với doanh nghiệp và kênh bán lẻ hiện đại, dâu Hạ Châu hiện đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong nước và được sơ chế thành nước ép, mứt để gia tăng giá trị. Người trồng dâu không còn phụ thuộc vào thương lái và có thể yên tâm sản xuất theo hướng bền vững, an toàn.
Đòn bẩy giảm nghèo, làm giàu bền vững
Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm cũng đang mang lại hiệu quả cao cho nhiều nông dân, HTX ở Phong Điền. Những năm gần đây, nhiều HTX, hộ dân trên địa bàn huyện đã cải tạo vườn cây ăn trái thành điểm du lịch sinh thái, kết hợp bán nông sản tại chỗ và cung cấp trải nghiệm “làm nông dân” cho du khách, từ đó không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Điển hình, thời gian qua, HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa ở thị trấn Phong Điền liên tục đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo, trong đó có sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đã được gắn sao OCOP, nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.
Để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đã chủ động quảng bá sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm chất lượng, tiện dụng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 20-30 lao động, với thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/người.

Chuyển đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa giúp nông dân, HTX ở Phong Điền tăng thu nhập (Ảnh: BCT).
Đáng chú ý, nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo chất lượng và thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch, HTX đã quyết định thành lập điểm tham quan miễn phí đông trùng hạ thảo tại các địa phương trong huyện Phong Điền.
Khách tham quan khi đến với các phiên chợ của HTX sẽ được tư vấn, giới thiệu về sản phẩm, đồng thời có cơ hội tham quan thực tế quy trình sản xuất, cũng như dùng thử miễn phí một số dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo chất lượng cao do các hộ thành viên HTX làm ra.
“Thông qua việc mở điểm tham quan đông trùng hạ thảo, HTX muốn đưa sản phẩm tiếp cận được với nhiều khách hàng, nhất là khách du lịch. Việc lồng ghép hiệu quả giữa sản xuất và du lịch giúp thành viên HTX nâng cao đáng kể thu nhập, vươn lên làm giàu”, anh Phạm Ngọc Đá, đại diện HTX Giọt Phù Sa chia sẻ.
Có thể thấy, quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế tại Phong Điền đang có sự đóng góp tích cực từ các HTX, tổ hợp tác. Để có được những kết quả hiện tại, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của địa phương, không thể không nhắc tới sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP.Cần Thơ.
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong các chương trình hỗ trợ tại Phong Điền là đẩy mạnh chuyển đổi số trong HTX. Thông qua sự phối hợp giữa Liên minh HTX Việt Nam và Trung tâm Khoa học công nghệ & Môi trường (Coste), nhiều HTX đã được hướng dẫn xây dựng website, fanpage bán hàng, kết nối với các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Sendo Farm….
Thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững
HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Tân Thới là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ số. Năm 2022, HTX được hỗ trợ xây dựng gian hàng điện tử và hệ thống mã số vùng trồng cho sản phẩm sầu riêng – mặt hàng chủ lực của địa phương. Nhờ đó, HTX không chỉ mở rộng thị trường trong nước mà còn từng bước tiếp cận xuất khẩu chính ngạch.
"Trước kia, sản phẩm của HTX chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Từ khi được hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT, chúng tôi bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, lợi nhuận tăng 20-30%, lại chủ động hơn trong sản xuất", ông Phan Thanh Bình – đại diện HTX Tân Thới cho biết.
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trọng điểm, tập trung vào đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và đầu tư trang thiết bị.
Đơn cử, năm 2023, Chương trình hỗ trợ phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị đã được triển khai tại HTX Nông nghiệp tổng hợp Nhơn Ái, với nội dung tập huấn về kỹ thuật trồng cam mật theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu và ứng dụng truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, HTX cũng được hỗ trợ máy móc sơ chế, đóng gói và phần mềm quản lý sản xuất, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và chuyên nghiệp hóa quy trình vận hành.
Có thể thấy, sự đồng hành chặt chẽ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX TP Cần Thơ không chỉ giúp các HTX tại Phong Điền nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn lan tỏa tinh thần liên kết, hợp tác cùng phát triển trong cộng đồng nông dân. Từ chỗ e dè, ngại đổi mới, nhiều hộ dân nay đã chủ động tham gia HTX, đề xuất mô hình sản xuất mới và cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị bền vững.
Nhìn chung, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp liên kết chuỗi và chuyển đổi số, thu nhập bình quân của nông dân huyện Phong Điền trong lĩnh vực nông nghiệp đã không ngừng tăng lên. Theo thống kê, đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 65 triệu đồng/người/năm, trong đó nhiều hộ sản xuất theo mô hình chuỗi đạt trên 100 triệu đồng/năm.