Nông dân Phú Yên khóc vì dưa hấu rớt giá
Hiện nay nông dân trồng dưa hấu ở Phú Yên đang đối mặt với tình trạng giá dưa rẻ như cho. Có nơi dưa bán không ai mua, nông dân chờ 'giải cứu', trong khi ròng rã 3 tháng trời ăn ngủ ở chòi với dưa.
Thu hoạch dưa hấu phải gánh ban đêm, thế nhưng dưa ế chất đống, càng chất lên cao thì trái dưa mình tròn trợt lăn xuống đất. Nỗi buồn người trồng dưa… lăn lóc theo dưa!
“Nói xấu” dưa hấuNhững ngày qua, nắng trải vàng nhưng cái lạnh thì vẫn hiện diện trong từng đợt gió, cả một vùng gò đồi trồng dưa, những trái dưa hấu mình tròn nằm trải dài trên ruộng dưa chờ thương lái đến mua.Bà Nguyễn Thị Thanh, ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho hay: Vợ chồng tôi thuê đất ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) trồng 6 sào dưa, trung bình mỗi sào dưa thu 2 tấn trái. Trong quá trình trồng chăm sóc, thuê công phun thuốc, tưới nước, công bắt nhánh (loại bỏ nhánh dưa nhỏ không hiệu quả), tỉ mẩn từng chút một. Khi dưa chín gọi thương lái đến bán, họ hẹn mãi mà không đến. Nếu bán với giá dưa hiện nay là 2.000 đồng/kg, trừ chi phí xong, tôi lỗ trên 10 triệu đồng. Bà Thanh buồn rầu vì vụ dưa năm nay rớt giá, thua lỗ nặng.Ông Bùi Văn Tấn, trồng dưa ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) giãi bày: Cũng vụ dưa này, mấy năm trước giá cao thì thương lái mua hết, trái dưa đầu to đuôi nhỏ cũng lấy, trồng 1ha dưa lãi trên 100 triệu đồng. Còn nay dưa hạ, trái dưa nặng 3kg trở lên nhưng bị sâu cạp sơ, tức là có vệt màu trắng bằng ngón tay trên vỏ dưa thì thương lái cũng chê, người trồng dưa ai cũng lỗ.Còn ông Phan Văn Lâm, một người ở xã Xuân Phước đến xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) thuê đất trồng dưa cũng buồn nẫu ruột, nói: Tôi trồng giống dưa đen trái to bán ra nước ngoài, còn dưa rằn trái nhỏ hơn bán trong nước. Có thương lái đến hỏi mua dưa, họ phân ra 2 loại: loại 1, dưa đạt 4 kg/trái trở lên mua với giá 2.200 đồng; loại 2, dưa 3kg/trái, giá mua 2.000 đồng. Giá rẻ lại còn bị thương lái “nói xấu” dưa hấu nào là chê dưa bị sâu cạp, dưa xốp ruột, bớt rứt, bỏ lại. Số dưa “sạt” lần 2 còn lại chất đống lăn lóc, tôi vào bao chở đến các điểm trung tâm, đăng mạng xã hội nhờ “giải cứu”…
Ròng rã gần 3 tháng trời, vợ chồng ông Lâm cất chòi “ăn ngủ” với dưa, cuối vụ bán đổ bán tháo ước chừng lỗ gần 20 triệu đồng. Tiền đầu tư phải vay mượn họ hàng trồng dưa, đến cuối vụ còn gánh thêm nợ nần. “Nhìn đống dưa ế phơi nắng, tôi dời vào chỗ mát chất đống, trái dưa mình tròn trơn trợt lăn xuống đất, vợ tôi khóc ngay”, ông Lâm nói.Theo nhiều người trồng dưa, 2 năm nay ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá dưa rất thất thường, đầu năm 2021 giá bán 6.000-7.000 đồng/kg, thương lái lùng sục mua nhưng không có dưa bán, đùng một cái có tin đồn thị trường Trung Quốc không nhập nữa nên giá dưa rớt thê thảm, xuống còn 2.000 đồng. Riêng năm nay, đầu vụ giá dưa 2.200 đồng rồi hạ xuống 1.500 đồng…Gánh dưa đêm
Đến mùa thu hoạch dưa hấu, nông dân ở xã Xuân Quang 3, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) từng tốp người đi xe máy đèo theo sau đôi ky, cây đòn gánh chạy dọc tuyến đường quốc lộ 19C lên xã Sơn Định, Sơn Hội rồi chuyển hướng theo quốc lộ 25 qua xã Ea Chà Rang, Krông Pa (huyện Sơn Hòa) đến ruộng dưa, gánh dưa mướn.Ông Nguyễn Văn Cường, người gánh dưa ở xã Xuân Quang 3 cho hay: “Tôi có người quen trong xã thuê đất trên xã Krông Pa trồng dưa hấu. Đến mùa thu hoạch họ gọi điện bảo tôi đi gánh dưa. So với các loại cây trái thì dưa hấu thu hoạch vào ban đêm, bởi ban đêm dưa no nước, thương lái đến dùng tay búng kêu “boong boong” thì họ mới chọn mua. Còn nếu hái ban ngày, do trời nắng, vỏ dưa mềm, búng vào kêu “bộp bộp” thì dưa xốp ruột, chở đi xa dễ bị dập chảy nước nên thương lái không mua. Thường trái dưa “lăn” từ ruộng lên xe phải qua 3 giai đoạn: Cắt dây, gánh và bốc dưa lên xe. Vì vậy trước khi đi gánh dưa phải cần 4-5 người mới “lăn” được 15-20 tấn dưa lên xe tải”.
Cũng theo ông Cường, công gánh không ăn theo tấn mà ăn theo sào, từ 200.000-300.000 đồng/sào (tùy theo xa gần, gánh từ ruộng dưa đến chỗ xe tải đậu). Người gánh dưa gánh cong đòn gánh, có đêm mỗi người gánh được 600.000-700.000 đồng. Thế nhưng đó là dưa bán đắt, thương lái rảo ruộng dưa hỏi mua, xe tải nằm chờ thì người gánh dưa được chủ ruộng dưa đưa tiền liền, còn dưa ế thì dây dưa. Cũng chính vì vậy mấy năm trước giá dưa tăng cao chủ dưa gọi điện thoại như “ra lệnh”, còn nay họ năn nỉ…Ông Phan Thái Bình, ở xã Xuân Phước, mờ sáng dậy ăn bụng cơm rồi đi gánh dưa. Ông Bình chia sẻ: Gánh dưa phải là ky bồ (loại ky to giống như cái bồ góc), còn đòn gánh phải là đòn gánh chắp (nẹp thanh tre giữa đòn gánh), mỗi gánh dưa từ 70-80kg. Với sức nặng này thì khi đặt đòn gánh lên vai phải chạy không thể bước được. Gánh xong gặp lúc dưa ế, ba ngày sau chưa lấy tiền công, chủ ruộng dưa ở cùng xã cũng là chỗ ơn nghĩa, biết làm sao bây giờ…Dưa rớt giá không chỉ chủ ruộng buồn mà người gánh dưa cũng khổ lây.Thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, hằng năm nông dân trong tỉnh trồng hơn 800ha dưa hấu, với năng suất bình quân 40 tấn/ha. Ông Đào Lý Nhĩ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: “Trước tình hình dịch COVID-19, dưa hấu không xuất khẩu được, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng mới, chuyển sang trồng các loại cây trồng phù hợp khác, đồng thời nên trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc. Thời gian qua các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tích cực tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ nông sản, đặc biệt là dưa hấu”.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nong-dan-phu-yen-khoc-vi-dua-hau-rot-gia/