Nông dân sản xuất đậu nành Mỹ 'chới với' trong thương chiến với Trung Quốc
Hôm 13/4, CNN đưa tin cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do Mỹ khởi xướng sẽ gây tổn hại rất nhiều cho những người nông dân của chính nước này, nhất là trong lĩnh vực sản xuất đậu nành.
Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã áp đặt thêm 145% thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mặc dù đã tạm hoãn các khoản thuế "có đi có lại" đối với tất cả các quốc gia khác để thúc đẩy đàm phán.
Nhưng Trung Quốc đã không lùi bước khi Bắc Kinh nhấn mạnh họ sẽ "chiến đấu đến cùng" nếu ông Trump tiếp tục leo thang cuộc chiến thương mại. Trung Quốc cũng đã tăng đáng kể thuế của riêng mình áp lên hàng hóa của Mỹ xuất khẩu vào thị trường nước này.
Trong các mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc từ Mỹ thì đậu nành là một trong những nông sản đứng đầu trong danh sách với số lượng nhiều nhất.
Mỹ - Trung đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về thương mại, mặc dù Trung Quốc bán cho Mỹ nhiều hơn khoảng ba lần so với mua. Kết quả là thâm hụt thương mại đáng kể lên tới gần 300 tỷ đô la có lợi cho Trung Quốc, một khoảng cách mà ông Trump muốn thu hẹp bằng thuế quan.
Trung Quốc chủ yếu mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ bao gồm đậu nành, hạt có dầu và ngũ cốc. Nhập khẩu đậu nành, chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi, đã bị ảnh hưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump khi hai nước đấu khẩu trong một cuộc chiến thương mại trước đó.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu và tìm đến các quốc gia khác để mua các sản phẩm nông nghiệp. Họ sẽ làm điều đó một lần nữa sau khi áp thuế 125% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ, một động thái mà các nhà phân tích nhận định có thể khiến lượng hàng nông sản Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc như đậu nành xuống gần bằng 0.

Nông dân trồng đậu nành Mỹ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc hiện phải chịu tổng mức thuế là 135%, do mức thuế 10% áp dụng đối với một số sản phẩm nông nghiệp nhất định vào tháng 3 cộng với mức thuế 125% được Bắc Kinh công bố vào hôm 11/4.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Brazil - nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới - đã nổi lên như một bên 'chiến thắng', với lượng đậu nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil tăng vọt trong những năm qua. Xuất khẩu đậu nành của Brazil sang Trung Quốc đã tăng hơn 280% kể từ năm 2010 trong khi xuất khẩu của Mỹ vẫn giữ nguyên.
Tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Brazil, nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Năm 2024, Trung Quốc là điểm đến chính của đậu nành Brazil, chiếm hơn 73% tổng lượng đậu nành xuất khẩu của nước này.
Với sản lượng dự kiến sẽ tăng — vụ mùa đậu nành của Brazil dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay, theo đó Trung Quốc có thể tăng lượng nhập khẩu từ Brazil và các nước Nam Mỹ khác như Argentina, hiện là nước sản xuất đậu nành lớn thứ ba thế giới sau Brazil và Hoa Kỳ.
Điều này đã gây thiệt hại nặng cho những nông dân Mỹ trong ngành sản xuất đậu nành.
Theo Hiệp hội Đậu nành Mỹ, ngành nông nghiệp Mỹ đã mất khoảng 27 tỷ đô la trong cuộc chiến thương mại năm 2018, trong đó 71% thiệt hại liên quan đến đậu nành.
Và nông dân, nhiều người trong số họ sống ở các tiểu bang đã bầu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2024, vẫn đang phải vật lộn với hậu quả. Chỉ có Illinois, tiểu bang sản xuất đậu nành hàng đầu và Minnesota, tiểu bang sản xuất đậu nành lớn thứ ba đã bầu cho cựu Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ vào tháng 11 năm ngoái.