Nông dân sản xuất giỏi và tấm lòng ưa việc thiện
Gắn bó với các việc từ thiện hơn 20 năm, dù nay đã ở tuổi 62, sức khỏe không còn như trước, nhưng ông Lê Công Hầu (ngụ ấp Bình Tây 1, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang) vẫn luôn giữ vai trò tiên phong trong các phong trào ở địa phương, cùng các thành viên cao tuổi có cùng tâm thiện nguyện tiếp sức cất cầu, làm đường trong và ngoài xã.
Ở cả “2 vai” làm kinh tế và từ thiện, ông Hầu đều được bà con nể phục. Nơi ông có tinh thần mà mọi người dân “xứ đạo” đều hội chung là ý chí vượt khó, sau khi nỗ lực thoát nghèo, không đợi khấm khá ông đã lo đến việc xã hội. Hai công việc song hành là niềm vui để ông cống hiến. Nói đến kinh nghiệm làm nông, ông Hầu không chỉ giỏi ở các mô hình mà còn tích cực áp dụng các kỹ thuật, cây trồng mới. Trên vùng trồng nếp chuyên canh, để tăng thêm hiệu quả, ông tiên phong sản xuất giống nếp thơm theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Qua 2 năm sản xuất thu về kết quả rất thuyết phục và thu hút nhiều nông hộ làm theo. Ông Hầu cho biết, so với các loại nếp truyền thống, giống nếp thơm cho chất lượng hạt tốt, ít bị đổ ngã, kháng sâu bệnh hơn hẳn. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc rất ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nếu có chỉ sử dụng thành phần sinh học an toàn. Cuối vụ thu hoạch, nếp thơm cho năng suất cao hơn nếp khác đến 100kg/công. Khi địa phương phát động nông dân chuyển đổi cây trồng từ đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả, ông Hầu cũng đi đầu thực hiện với 1.000m2 trồng cây xoài. Kinh tế vững chắc giúp ông có nguồn thu 150-160 triệu đồng/vụ, trừ chi phí còn lợi nhuận 70-80 triệu đồng.
Ông Hầu cho biết, năm nay do các loại bệnh hại nên đang cải tạo lại vườn xoài để chuyển sang trồng mít siêu sớm. Với ông, làm nông dân thời nay phải luôn đổi mới, nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, sản phẩm đạt chất lượng thì đầu ra mới thuận lợi và giá cả tốt. Từ năm 2008 đến nay, ông luôn được xét là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Ông Lê Công Hầu làm kinh tế giỏi và hết lòng với việc từ thiện
Không chỉ cần cù làm ăn, ông Hầu còn tích cực với việc xã hội - từ thiện, mong quê hương ngày càng tiến bộ, đổi mới. Từ năm 2000, ông Hầu đã tham gia sửa chữa cầu cây, rải đá đường, cất nhà. Đến năm 2010, nhóm thiện nguyện của ông được UBND xã Bình Thạnh Đông thành lập thành Tổ xây dựng cầu đường, chịu trách nhiệm thiết kế và chất lượng nhiều cây cầu bê-tông quy mô trên địa bàn. 20 thành viên trong tổ chủ yếu là hội viên Hội Chữ thập đỏ và Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã rất nhiệt huyết với nhiệm vụ vì cộng đồng, vừa góp tiền và sức của mình, vừa vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm trong và ngoài xã.
Ông Hầu chia sẻ: “Đây là hoạt động mang lại nhiều lợi ích thiết thực, lấy sức dân chăm lo cho dân, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển và đi lại nên được nhiều bà con ủng hộ. Địa phương quan tâm động viên, tạo mọi điều kiện cho tổ hoạt động, giúp các thành viên nêu cao tinh thần tự nguyện, cống hiến công sức trong khả năng”. 10 năm qua, Tổ từ thiện xây dựng cầu đường Bình Thạnh Đông đã vận động được trên 11,4 tỷ đồng và đóng góp hơn 970 ngày công lao động để phục vụ cho công tác sửa chữa cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã.
Ông Hầu cho biết, việc làm có mệt nhọc nhưng anh em ai nấy đều vui vì nhận thấy sự động viên khích lệ của chính quyền địa phương. Dàn “thợ” hầu hết là lão nông nhưng đảm nhận công trình nào đều đảm bảo chất lượng và thời gian như dự kiến, tiết kiệm nhiều chi phí. Thời gian qua, tổ phối hợp UBMTTQVN xã và Ban Nhân dân các ấp tổ chức vận động tiền, vật chất xây dựng nhiều cầu bê-tông cốt thép quy mô, như: cầu Mương Trâu trị giá 1 tỷ 950 triệu đồng, cầu Mương Chùa trị giá 2 tỷ 254 triệu đồng, cầu Chùa trị giá hơn 1 tỷ đồng, cầu Bình Tây trị giá hơn 2,6 tỷ đồng, cầu Đình nối đôi bờ ấp Bình Tây 2 trị giá trên 4 tỷ đồng…
Nhìn lại những việc làm thiết thực và hiệu quả phục vụ dân sinh, cá nhân ông và tổ từ thiện mong muốn tiếp tục được đóng góp công sức xây thêm những cây cầu kiên cố, nhằm góp phần tốt hơn vào chủ trương xây dựng nông thôn mới của xã Bình Thạnh Đông nói riêng và huyện Phú Tân nói chung.