Nông dân sáng chế thành công máy nổ chạy bằng khí biogas
Thay vì máy nổ chạy bằng nhiên liệu xăng hay dầu, nhưng anh Bùi Văn Thạch, nông dân xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An sáng chế thành công máy chạy bằng khí biogas. Cách làm này rất tiện lợi vì tận dụng được nguồn nhiên liệu có sẵn trong việc chăn nuôi bò lấy phân ủ thành khí biogas của gia đình.
Để tiết kiệm chi phí cũng như xử lý chất thải trong chăn nuôi, không làm giảm ô nhiễm môi trường xung quanh, tháng 3/2023, anh Thạch quyết định đầu tư gần 7 triệu đồng để xây dựng túi biogas bằng nhựa composite với thể tích 8m3. Khoảng 10 đến 20 ngày chỉ cần nối dây dẫn từ túi biogas vào túi nylon chứa khí gas, qua bộ lọc khí là có thể sử dụng khí gas dùng trong sinh hoạt nấu ăn của gia đình.
Đặc biệt, tại khu vực chăn nuôi của anh Thạch chưa có điện, để tiết kiệm chi phí mua nhiên liệu phục vụ cho việc chăn nuôi, anh Thạch đã tìm tòi, sáng chế chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu xăng sang sử dụng khí gas để chạy máy. Sau một vài lần thất bại, do chưa có kinh nghiệm. Cuối cùng, chiếc máy nổ chạy bằng khí biogas của anh Thạch được sáng chế thành công (chỉ cần thay thế một số chi tiết của bộ chế hòa khí của chiếc máy).
Anh Thạch cho biết: “Nguyên lý hoạt động của máy, lượng gas thoát ra từ túi biogas, qua đường ống, dẫn tới hệ thống túi nylon chứa khí. Từ đây, gas được dẫn vào bộ chế hòa khí rồi hoạt động như các máy nổ thông thường. Muốn máy đạt công suất lớn hay nhỏ chỉ cần điều khiển lượng gas nhiều hay ít thông qua van điều khiển bằng tay được lắp trên đường ống dẫn”.
Theo tính toán của anh Thạch, sau thời gian sử dụng khí biogas trong việc nấu nướng, chạy máy bơm nước vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, xay thức ăn, hàng tháng, gia đình anh tiết kiệm khoảng 1 triệu đồng tiền mua nhiên liệu và khí đốt.
Theo anh Thạch, dự kiến trong vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 này, anh sẽ sử dụng máy chạy bằng khí biogas vào việc bơm nước tưới cho 1,5ha đất sản xuất của gia đình để giảm chi phí trong quá trình sản xuất.
Sáng kiến sử dụng máy chạy bằng khí biogas thay nhiên liệu của anh Bùi Văn Thạch bước đầu mang lại hiệu quả, không chỉ về mặt kinh tế mà còn bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu đối với những hộ chăn nuôi, nhất là những khu vực chưa có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất./.