Nông dân Sơn La trồng dưa lê 'siêu ngọt' cho thu nhập cao

Từ việc mở rộng trồng giống dưa lê 'siêu ngọt' mà nhiều nông hộ ở xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu cải thiện được thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Giống dưa lê "siêu ngọt" giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.

Giống dưa lê "siêu ngọt" giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.

Thu nhập cao từ trồng dưa lê

Thời gian qua, người dân sinh sống ở xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu đã trồng dưa lê siêu ngọt để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ đã cải tạo lại đất ruộng, lắp hệ thống nước tưới tiêu nhỏ giọt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, nâng cao năng suất cây trồng.

Khác với nhiều loại cây ăn quả, dưa lê "siêu ngọt" không tốn nhiều công sức chăm sóc, bón phân, thời gian ra quả và thu hoạch nhanh. Vì vậy người dân nơi đây đã nhân rộng mô hình này, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Cứ đến mùa thu hoạch dưa, thương lái vào tận vườn thu mua, hầu như người dân không phải mang ra chợ bán.

Chị Lò Thị Bích, xã Chiềng Sàng cho biết: “Trước đây trên 800m2 ruộng này, tôi trồng rau cải, xà lách, cà chua, ớt... nhưng năng suất không cao. Khi được UBND huyện tuyên truyền hiệu quả của giống dưa lê "siêu ngọt" nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động để trồng dưa. Loài dưa này ít bị sâu bệnh, không cần phải bón phân nhiều như những loại cây trồng khác nên không tốn công chăm sóc. Từ khi trồng dưa, tôi không lo ế hàng. Nhờ vậy thu nhập của gia đình tôi ổn định hơn”.

Theo chị Bích, so với lúa thì trồng dưa cho thu nhập cao gấp 3 – 5 lần. Muốn quả có mẫu mã đẹp và chất lượng, người trồng phải biết cách đánh luống cao, phủ nilon hoặc tạo giàn để dưa phát triển tốt, tránh được sâu bọ hại thân cây. Cần tiến hành ngắt ngọn dưa thường xuyên 2 ngày/lần khi cây dưa đủ 6 – 8 lá. Việc ngắt ngọn thường xuyên sẽ giúp cây phát triển dây, cho quả sai, đẹp.

 Chị Bích đang làm cỏ dưa lê tại vườn.

Chị Bích đang làm cỏ dưa lê tại vườn.

Những năm qua, dưa lê "siêu ngọt" đã trở thành một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân huyện Yên Châu. Tại xã Chiềng Sàng, các nông hộ đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích đất canh tác, lắp đặt hệ thống nước tưới tiêu, dần biến dưa lê siêu ngọt trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình. Theo các hộ dân, giống dưa lê "siêu ngọt" có nhiều ưu điểm vượt trội như: Dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, cho quả đều, đẹp, khi ăn giòn và ngọt.

“Dưa lê được trồng phổ biến vào khoảng tháng 3 và thu hoạch rộ vào tháng 6, tháng 7 dương lịch. Thời gian sinh trưởng chỉ từ khoảng 55 ngày nên thu hoạch và thu hồi vốn từ bán dưa rất nhanh. Thấy dưa lê cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã nhân rộng mô hình lên khoảng 1ha, tôi vừa thu hoạch được hơn 6 tạ dưa và bán ngay tại ruộng. Dưa với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg tùy theo chất lượng dưa, mỗi năm tôi thu lãi 78 triệu đồng”, chị Bích nói.

 Dưa lê "siêu ngọt" đang được nhiều nông hộ ở xã Chiềng Sàng lựa chọn là cây phát triển kinh tế.

Dưa lê "siêu ngọt" đang được nhiều nông hộ ở xã Chiềng Sàng lựa chọn là cây phát triển kinh tế.

Mở rộng diện tích...

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho hay: Hiện nay, diện tích trồng dưa lê trên địa bàn huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Vì vậy, sản phẩm của bà con trồng đến đâu thì các tiểu thương mua hết đến đó chứ không như các mặt hàng nông sản khác.

Theo ông Cường, do dưa lê có vị ngọt mát, hương vị thơm ngon đặc trưng, giúp giải nhiệt trong mùa nắng nóng nên được nhiều người ưa chuộng. Quả to, đều, màu đẹp có giá khoảng 40.000 đồng/kg, quả nhỏ khoảng 25.000 đồng/kg. Trồng dưa lê không chỉ giúp các hộ dân tận dụng được quỹ đất, nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác mà còn mang lại nguồn thu đáng kể, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Với 6 năm kinh nghiệm trồng dưa lê, ông Lò Văn Quân, bản Vũng Mo, xã Chiềng Sàng cho biết: "Dưa lê "siêu ngọt" có thể trồng quanh năm, thời gian sinh trưởng ngắn. Sau khi trồng khoảng 60 ngày có thể thu được những lứa quả đầu tiên, nếu chăm bón tốt năng suất rất cao. Dưa có giá bán cao nên ngày càng nhiều hộ mở rộng diện tích trồng. Hiện, tôi đang trồng khoảng 700m2 dưa lê "siêu ngọt" trên đất ruộng, thu nhập khoảng 55 triệu đồng/vụ".

"Hết vụ dưa, tôi lại chuyển sang trồng rau ngắn ngày, vì vậy lúc nào tôi cũng có sản phẩm bán. Nếu tính tổng từ việc trồng rau và dưa, tôi thu về khoảng 90 triệu đồng. Tôi dự định thời gian tới sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dưa trên đất nương”, ông Quân nói.

So với trồng các loại rau màu, dưa lê có thời gian thu hoạch ngắn ngày hơn, không tốn nhiều công chăm sóc, tiết kiệm được chi phí do có thể tận dụng được nilon từ vụ trước, giá bán lại cao hơn. Để dưa sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc chú trọng về phân bón, để hạn chế chuột và các loại sâu bọ có thể phá hoại, xung quanh bờ ruộng, vườn, người nông dân phải phủ kín nilon bảo vệ và đánh luống cao. Khi cây dưa phát triển đủ 6 - 8 lá, các chủ vườn cần tiến hành ngắt ngọn thường xuyên giúp cho quả sai đều hơn.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho hay: "Để loại cây trồng này tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây hàng hóa chủ lực, các địa phương cần phối hợp với ngành chức năng khuyến khích nông dân các xã hạn chế tình trạng trồng dưa lê tự phát, ồ ạt mở rộng diện tích để tránh tình trạng ''được mùa mất giá" hay "mất giá, được mùa". Cần có sự liên kết theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ, hình thành các vùng trồng trọt hàng hóa, áp dụng quy trình quản lý dịch hại, bảo vệ cây trồng, đảm bảo năng suất và đầu ra ổn định cho sản phẩm".

Hà Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nong-dan-son-la-trong-dua-le-sieu-ngot-cho-thu-nhap-cao-post691229.html