Nông dân Sông Bình gặp khó!
Lúa bị sâu bệnh, ngập úng mỗi khi mưa nhiều; khoai mì xoăn lá, thối củ… khiến nông dân xã miền núi Sông Bình đang không vui với nghề nông.
Nông dân Sông Bình gặp khó
Mất mùa do sâu bệnh
Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi về xã miền núi Sông Bình, huyện Bắc Bình giữa tiết trời se lạnh. Những rẫy khoai mì chuẩn bị thu hoạch, ruộng lúa trổ bông hòa vào những vạt rừng xanh ngát.
Sông Bình có khoảng 1.600 hộ với hơn 5.000 khẩu chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi trồng trọt. Hiện nơi đây đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch khoai mì. Tuy nhiên không khí có vẻ ảm đạm, người dân kém vui khi được hỏi về công việc nhà nông. Do những năm gần đây ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa gió thất thường khiến cho họ không còn chủ động trong trồng trọt. Bà Vũ Thị Roan, thôn Tân Bình chia sẻ: Từ năm ngoái đến năm nay, trồng lúa bị sâu bệnh chán lắm! Hết sâu nọ đến sâu kia làm không đủ trả nợ. Canh tác 8 sào lúa, vụ vừa rồi thu hoạch, trừ hết chi phí, chưa tính công chăm sóc thu về 5 triệu đồng. Bà liệt kê bắt đầu từ khi gieo sạ cho đến khi thu hoạch, ban đầu là sâu đục thân phun xịt thuốc, hết đục thân lại đến sâu cuốn lá, hết cuốn lá rồi lại đến bệnh đạo ôn cháy lá. “Ở xã này ai cũng vậy, có nhà không còn vốn mua giống gieo lại để ruộng vậy, đến mùa thu hoạch vớt vát được ít lúa nào hay ít đó, nhà có vốn thì họ cày úp làm lại đất gieo mới. Hiện nay lúa đang trổ bông bị sâu đục thân, cháy bìa lá, chắc vụ này không đủ tiền trả phân, giống cho đại lý”, bà Roan cho biết thêm.
Lúa đang trổ bông
Ngoài sâu bệnh, lúa còn bị ngập úng khi năm nay thời tiết thất thường, ảnh hưởng mưa bão triền miên. Vũ Hương Nhung – một phụ nữ trẻ năng động đi cùng tôi đến một số ruộng lúa, Nhung bảo: “Năm nay mưa nhiều nên lúa bị ngập úng liên tục”. Nhìn những thửa ruộng xanh non ẩn trong đó những giọt mồ hôi của người nông dân chân lấm tay bùn, tôi thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân nơi đây. Ngoài lúa, vợ chồng Nhung đã đi thuê đất trồng khoai mì.
Khoai mì năm nay cũng không khá hơn cây lúa, khi mới trồng, cây phát triển tốt nhưng sau đó bị bệnh xoăn lá. “Tháng sau vào vụ thu hoạch củ, nhưng củ nhỏ xíu. Năm nay mưa nhiều củ ít, trồng ở chỗ đất thấp bị thối củ, chỗ cao thì bị xoăn lá, thu hoạch chắc không bằng những năm trước”, Nhung, bà Roan và một số nông dân khác than thở.
Quan tâm hỗ trợ
Mang những trăn trở của người nông dân, chúng tôi đến UBND xã Sông Bình để tìm hiểu. Một cán bộ xã tiếp chúng tôi cũng thừa nhận về tình hình khó khăn chung trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây ở Sông Bình. Qua cán bộ xã được biết, vừa qua đoàn cán bộ nông nghiệp huyện Bắc Bình đã đến Sông Bình phối hợp cán bộ xã khảo sát về thiệt hại mùa màng do sâu bệnh, thiên tai bão lũ ở đây. Trước mắt, cây lúa còn có thể đánh giá được mức độ thiệt hại, còn cây mì thì chưa, vì loại cây trồng này có sâu bệnh, úng nước dưới gốc thì cây vẫn xanh tốt… Chủ tịch UBND xã Sông - Bình Nguyễn Quang Thái Hưng cho biết: UBND huyện cũng như UBND xã đang quan tâm vấn đề này, hiện tại đã xác định mức độ thiệt hại trên cây lúa, còn cây mì thì chưa do loại cây lấy củ khó xác định, sẽ tiếp tục khảo sát, hỗ trợ người dân nếu thiệt hại lớn. Theo tờ trình của UBND xã Sông Bình gửi đến UBND huyện Bắc Bình về xem xét hỗ trợ thiệt hại do mưa lớn kéo dài, tổng diện tích lúa, bắp và các loại cây màu khác thiệt hại 102,75 ha/125 hộ, trong đó lúa 10,8 ha, tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 102 triệu đồng.
Không thể phủ nhận nỗi lo của người nông dân xã Sông Bình, khi mất mùa sẽ ảnh hưởng cuộc sống, kéo theo nhiều hệ lụy. Rời khỏi Sông Bình nhớ đến lời một nông dân than thở: ‘Nhà nông bây giờ khó khăn, thất mùa nhưng cũng phải làm, chứ không thì lấy gì trang trải cuộc sống”. Vì vậy, họ đang cần sự quan tâm của ngành chức năng hỗ trợ để vơi đi khó khăn.
Ninh Chinh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nong-dan-song-binh-gap-kho-133183.html