Nông dân tăng lợi nhuận nhờ áp dụng mô hình '1 phải 5 giảm'
Mô hình '1 phải 5 giảm' là quy trình kỹ thuật áp dụng trong quá trình canh tác lúa được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Sóc Trăng (Dự án VnSAT) triển khai đến bà con nông dân trong vùng dự án. Mô hình '1 phải 5 giảm' có thể hiểu '1 phải' là phải sử dụng giống lúa xác nhận và '5 giảm' là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước (tiết kiệm nước), giảm thất thoát sau thu hoạch.
Bà con nông dân tham quan ruộng trình diễn mô hình “1 phải 5 giảm” tại ruộng lúa của ông Lý Song, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị). Ảnh: THÚY LIỄU
Thông qua việc sản xuất lúa theo kỹ thuật trên đã góp phần giúp nông dân giảm chi phí đầu tư mùa vụ, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất. Theo đó, mô hình đã được triển khai đến nhiều hộ nông dân, được bà con đồng tình ủng hộ. Trong vụ Hè - Thu năm 2020, mô hình thực hiện tại ruộng của 2 hộ Lâm Huynh và Lý Song, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) tiếp tục đạt kết quả tốt.
Để tuyên truyền nhân rộng mô hình “1 phải 5 giảm” đến bà con nông dân trong vùng dự án, hơn hết là nhìn thấy tận mắt mô hình “1 phải 5 giảm” thực hiện ngay trên ruộng đồng của các hộ dân, Dự án VnSAT đã thực hiện mô hình trên, với diện tích 2ha đất lúa của hộ ông Lâm Huynh và Lý Song vào tháng 6-2020 (vụ Hè - Thu), lượng giống gieo sạ 100kg/ha, phương pháp xuống giống bằng sạ hàng, sạ lan.
Sau thời gian gieo sạ, lúa vào giai đoạn mạ, nhận thấy số chồi tăng cao ở giai đoạn lúa 43 đến 50 ngày và số chồi hữu hiệu ổn định tới lúc lúa trổ bông đến thu hoạch. Đồng thời khi lúa ở giai đoạn đòng (50 ngày) rầy nở, mật số tăng cao, sau khi xử lý thuốc trừ rầy, mật số rầy giảm nhanh, giai đoạn lúa trổ - chín mật số sâu hại thấp không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng cây lúa. Bên cạnh đó, do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều, nắng nóng thích hợp cho nấm và vi khuẩn phát triển (bệnh đạo ôn lá và cháy bìa lá)... nhờ chủ động thăm đồng và phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời nên bệnh hại tuy có xuất hiện nhưng ở mật độ, tỷ lệ thấp 3 - 5% lá, không ảnh hưởng lớn sinh trưởng phát triển của cây lúa...
Ông Lý Song, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) chia sẻ: “Áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm” theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Dự án VnSAT, người nông dân được lợi nhiều mặt trong quá trình canh tác lúa. Trước tiên về lượng giống gieo sạ, nông dân đã tiết kiệm đáng kể. Nếu như trước đây, 1ha lúa gieo sạ tầm 140kg giống thì khi áp dụng mô hình, giống gieo sạ không quá 100kg/ha kèm theo đó lượng đạm sử dụng khoảng 61kg - 63kg/ha (giảm hơm 50% so với canh tác lúa truyền thống); số lần phun thuốc trừ sâu, rầy không quá 3 lần và thực tế là chỉ phun thuốc trừ sâu, rầy có 1 lần/vụ...”.
Ông Lâm Huynh, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) bộc bạch: “Xưa giờ nông dân chỉ canh tác lúa theo thói quen, hễ thấy lúa kém xanh là mua ngay phân bón về bổ sung cho lúa xanh tốt trở lại. Hay thấy có ít sâu hại tấn công lúa, bằng mọi giá mua thuốc BVTV về phun ngay. Vì vậy nên chi phí sản xuất lúa bao giờ cũng cao, nhất là trong vụ Hè - Thu thời tiết bất lợi, mưa nhiều, lúa gặp nhiều sâu hại, dịch bệnh tấn công dẫn đến năng suất lúa không được tốt lắm. Nhưng khi áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm” do Dự án VnSAT hỗ trợ kỹ thuật thì tôi yên tâm trong suốt quá trình sản xuất bằng cách ghi chép nhật ký từ giai đoạn xuống giống lúa đến thu hoạch lúa và trong quá trình canh tác áp dụng kỹ thuật giữ nước “ngập, khô xen kẽ”, tiết kiệm được lượng nước tưới và đảm bảo cây lúa phát triển tốt. Nhờ đó, chi phí sản xuất thấp hơn so với sản xuất thông thường từ 1,5 triệu đồng - 2,3 triệu đồng/ha, năng suất lúa cao hơn so ruộng không áp dụng mô hình là 27kg - 35kg/ha”.
Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị Lý Nguyên Hùng cho biết: “Mô hình “1 phải 5 giảm” được Dự án VnSAT triển khai thực hiện tại 2 hộ nông dân nêu trên khá thành công bởi hộ có nhiều kinh nghiệm, trình độ sản xuất tốt, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn đã đề ra trong việc bón phân, phun thuốc BVTV, có ghi chép sổ nhật ký của mô hình. Không tự ý xử lý, kịp thời thông tin những trở ngại cho cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình để có biện pháp xử lý, khắc phục. Sở dĩ nông dân nhiệt tình hưởng ứng và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật dự án đưa ra bởi đây là quy trình kỹ thuật cơ bản phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của địa phương. Qua đó, để quy trình canh tác lúa “1 phải 5 giảm” giảm giống thành công, nông dân phải làm đất bằng phẳng, đánh rãnh thoát nước tốt và diệt ốc bươu vàng, bởi đây là khâu quan trọng quyết định thành công hay thất bại của việc sạ thưa giảm giống. Tới đây, dự án sẽ nhân rộng thêm các mô hình trình diễn áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” ra diện rộng để nông dân trong vùng dự án học hỏi làm theo…”.