Nông dân thời 4.0

Kiếm tiền nhàn tênh từ hệ thống kéo vó tự động điều khiển từ xa thông qua điện thoại, anh Huỳnh Thanh Đượm, nông dân ở ấp 9, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản đã cải tiến kỹ thuật đưa năng suất tăng gấp 3 lần và giảm công sức so với cách làm cũ. Anh là tấm gương nông dân thời 4.0 trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Sáng chế của anh đã đạt giải nhì cuộc thi sáng kiến nhà nông, chủ đề 'Nông dân thời 4.0' của huyện Hớn Quản năm 2022.

Cách đây 3 năm do bận rộn công việc vườn rẫy lại phải mất thời gian, công sức ngồi canh để bật, tắt hệ thống quay vó bằng môtơ của gia đình, anh Đượm tự mày mò, mua thiết bị từ TP. Hồ Chí Minh về lắp ráp hệ thống kéo vó tự động điều khiển từ xa thông qua điện thoại. Sau nhiều khó khăn, anh đã thành công bước đầu.

Anh Đượm cho biết, hệ thống này có nhiều chức năng, có thể tự động điều chỉnh thời gian chu kỳ kéo vó, điều khiển camera giám sát, quạt làm mát hệ thống vận hành, đẩy vó lên cao hay xuống thấp, hoạt động hay ngừng lại. Để sử dụng được hệ thống, điện thoại người dùng phải kết nối internet. Đồng thời trang bị thêm những dụng cụ để kết hợp với nhau như môtơ phụ nhằm làm tăng, giảm dây curoa, cộng với 1 môtơ chính để quay vó lên, xuống.

Anh Huỳnh Thanh Đượm giới thiệu mô hình kéo vó tự động điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh có kết nối internet

Anh Huỳnh Thanh Đượm giới thiệu mô hình kéo vó tự động điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh có kết nối internet

Trước đây, việc quay vó ở ven sông Sài Gòn hoàn toàn thủ công, dựa vào sức người. Sau này, một thanh niên ở xã Tân Hiệp đã thiết kế vó quay bằng môtơ, giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất. Nhưng phương pháp này buộc ngư dân phải trực tại điểm kéo vó để bật, tắt cầu dao sau mỗi chu kỳ kéo. Trong khi phương pháp của anh Đượm có thể điều khiển kéo vó tự động ở mọi lúc, mọi nơi chỉ với một vài thao tác trên điện thoại thông minh. Hệ thống quay vó tự động của anh Đượm với quy trình chu kỳ lên, xuống 10 phút 1 lần, hoạt động liên tục 24/24 giờ. Theo đó, cá cũng được tuồn vào đú (dụng cụ chứa) đựng liên tục.

Anh Đượm cho biết: Phương pháp quay vó bán tự động trước đây tôi thấy rất vất vả, năng suất lao động không cao. Với suy nghĩ phải đổi mới, cải tiến năng suất lao động, tôi lên mạng tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng tại nơi tôi đặt vó kéo cá. Sau khoảng 3-4 tháng nghiên cứu, bước đầu mô hình đã thành công. Sau này mô hình hoàn thiện 100%, tôi sẽ ứng dụng rộng rãi cho bà con ven sông Sài Gòn.

“Dù không qua trường lớp đào tạo nào nhưng anh Huỳnh Thanh Đượm đã mày mò sáng chế ra hệ thống kéo vó tự động điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh. Việc làm của anh rất đáng khen. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ nhân rộng mô hình đến các hộ đánh bắt cá trên sông Sài Gòn để áp dụng phát triển kinh tế gia đình”.

Ông LÊ VĂN HUYÊN, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp

Một ưu thế nữa của mô hình là vào ban đêm, cá di chuyển nhiều nhất trong khi lúc này, người dân cần nghỉ ngơi không bật, tắt cầu dao để quay vó, thì hệ thống này tự động hoạt động liên tục 24/24 giờ; với công suất một ngày đêm từ 180-240 lần, tăng gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống. Anh Đượm cho biết thêm: “Mô hình ứng dụng của tôi, sức lao động gần như bằng không. Tôi chỉ việc cài chế độ quay vó tự động rồi đi làm việc khác. Cá về nhiều, tôi chèo ghe đi thu là đã có thu nhập từ 300 ngàn đồng trở lên trong một ngày”.

Tân Hiệp có một phần đất sông Sài Gòn chảy qua. Một bộ phận người dân nơi đây đã lập nghiệp từ nghề kéo vó ven sông. Hiện ven sông Sài Gòn có khoảng 100 vó kéo cá, nhưng chỉ có anh Đượm áp dụng cách làm này. Vì vậy, địa phương nên tính đến việc sớm nhân rộng mô hình nhằm tăng năng suất, giảm công lao động; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, tư duy của nông, ngư dân trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình.

Thanh Mai

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/138232/nong-dan-thoi-4-0