Nông dân thời đại mới
Những năm gần đây, tại các địa phương trong tỉnh dần xuất hiện những mô hình nông nghiệp với phương thức sản xuất, kinh doanh (SXKD) mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bắt nhịp với tiến bộ KHCN, những người nông dân thời đại mới cũng đang chuyển mình, thay đổi tư duy, cách làm để tiếp cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của nông sản, từng bước cải thiện đời sống, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát huy nội lực, tích cực học tập, ứng dụng KHKT, chuyển đổi mô hình kinh tế nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các loại hình kinh doanh tổng hợp, dịch vụ, chế biến, ngành nghề truyền thống... Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân (HTND) phát triển SXKD; phối hợp hướng dẫn xây dựng HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu...
Từ đầu năm đến nay, các cấp HND đã tín chấp, ủy thác với các ngân hàng hỗ trợ trên 5.100 hộ nông dân vay vốn phát triển SXKD, dư nợ trên 3.582 tỷ đồng. Chủ động phối hợp các sở, ngành, doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho hội viên về khai thác, sử dụng internet, kỹ năng sản xuất nông sản sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường, cải thiện thu nhập... Từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Năm nay, toàn tỉnh có 71.000 hộ hội viên đăng ký danh hiệu gia đình nông dân SXKD giỏi các cấp.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khó Tân Pheo (Đà Bắc), sau nhiều năm tìm tòi, khảo sát thực tế và cần cù lao động, nông dân Bàn Văn Bình đã thành công với mô hình khởi nghiệp từ dịch vụ chế biến nông, lâm sản tại quê nhà. Anh cho biết: Bắt tay vào xây dựng mô hình, cái khó nhất là vốn và thiếu kiến thức sản xuất. Nắm bắt được nguyện vọng, HND xã, huyện đã làm cầu nối hỗ trợ tư vấn, tham gia lớp học nghề mộc, tạo điều kiện thăm quan mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, mô hình hoạt động hiệu quả, từng bước tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu nhập trên 600 triệu đồng mỗi năm. Hiện, mô hình tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 6 lao động, thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài anh Bình, không ít những "ông chủ” với ước vọng được góp sức mình vào sự phát triển của quê hương đã quyết tâm thay đổi để phát triển, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ của KHKT để nâng cao giá trị nông sản như: Nông dân Vũ Văn Thái, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) với mô hình V.A.C kết hợp; nông dân Nguyễn Văn Long, thôn Cây Rường, xã An Bình (Lạc Thủy) với mô hình trang trại tổng hợp…
Đồng chí Lê Văn Thạch, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Từ hiệu quả các hoạt động tư vấn, dạy nghề, HTND, tại các địa phương trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình liên kết, hợp tác trong SXKD mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường; xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng, thu nhập hàng năm từ 600 triệu - 1,2 tỷ đồng trở lên. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định xã hội, đặc biệt là tạo lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/156372/nong-dan-thoi-dai-moi.htm