Nông dân thu trăm triệu mỗi năm nhờ trồng 'cây trời ban'

Cây trồng bản địa hồng Vành Khuyên – sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, đang giúp nhiều bà con người dân tộc thiểu số ở huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, với sự tham gia của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã giúp đầu ra của trái hồng bền vững hơn, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người trồng.

Hồng Vành Khuyên là nông sản đặc hữu của tỉnh Lạng Sơn, được trồng chủ yếu tại huyện biên giới Văn Lãng. Các vườn hồng được trồng nhiều từ những năm 1990, có những cây đạt trên 60 năm tuổi. Đến nay, cây hồng Vành Khuyên đã trở thành một loài cây hàng hóa quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ nông dân.

Thu nhập vài trăm triệu đồng/năm

Quả hồng Vành Khuyên có đặc trưng là phần đài hoa hằn trên núm, tạo nên vành rộng nên mới có tên gọi vành khuyên. Khi quả càng già, vành khuyên càng hiện rõ. Theo người dân địa phương, hồng đạt chất lượng là vỏ phải bóng, màu xanh ngả vàng, vị ngọt không sắc.

HTX sản xuất kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò giúp bà con địa phương giải quyết "bài toán" đầu ra (Ảnh: NVCC).

HTX sản xuất kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò giúp bà con địa phương giải quyết "bài toán" đầu ra (Ảnh: NVCC).

Gắn bó với cây hồng từ thời niên thiếu, ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng kể, thời điểm đó, quả hồng chủ yếu trồng tự phát, tự tiêu thụ ở địa phương, không đem lại nhiều giá trị cho bà con nơi đây. Với những trăn trở này, ông Hậu luôn khao khát sẽ tìm ra giải pháp giúp đầu ra của trái hồng trở nên bền vững.

Theo đó, năm 2018, ông Hậu đã thành lập HTX sản xuất và kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò với 7 thành viên tham gia, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cây giống, trồng, chăm sóc, thu mua và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hồng Vành Khuyên. Đặc biệt, các thành viên HTX đều là người dân tộc Nùng.

Sau 5 năm phát triển, HTX đã mở rộng quy mô liên kết lên 88ha, với sản lượng khoảng 150 - 170 tấn/năm. Hồng Vành Khuyên đã được phân phối khắp cả nước.

Bà con nông dân Nà Mò có thu nhập ổn định nhờ liên kết phát triển theo mô hình HTX (Ảnh: NVCC).

Bà con nông dân Nà Mò có thu nhập ổn định nhờ liên kết phát triển theo mô hình HTX (Ảnh: NVCC).

Trò chuyện với VnBusiness, ông Hậu cho hay năm nay, giá bán hồng tươi ở mức 12.000 – 15.000 đồng/kg. Với mức giá này, các thành viên HTX có lãi khoảng 10.000 đồng/kg.

“Chúng tôi hay nói vui với nhau rằng hồng Vành Khuyên là cây trồng “trời ban” cho người dân Văn Lãng. Bởi thực tế, trồng loại cây này không mất quá nhiều chi phí, công chăm sóc, trong khi lợi nhuận thu về cao, cũng như đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật”, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò chia sẻ.

Theo đó, doanh thu của HTX đạt trung bình khoảng 4 tỷ đồng/năm, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các thành viên. Tham gia HTX, nhiều thành viên có lợi nhuận từ 200 – 300 triệu/năm.

HTX được vinh danh tiêu biểu toàn quốc

Từ những thành quả đạt được, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. HTX được UBND tỉnh Lạng Sơn tặng bằng khen trong đợt tổng kết phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2016 – 2021. Sản phầm Hồng Vành Khuyên được Hội đồng bình chọn “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” tỉnh lần I năm 2022.

Đặc biệt, năm 2023, HTX sản xuất và kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc.

HTX Hồng Vành Khuyên Nà Mò vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc.

HTX Hồng Vành Khuyên Nà Mò vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng, tổng diện tích hồng Vành Khuyên trên địa bàn đạt khoảng 1.350 ha; trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 860 ha; diện tích được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên 280 ha. Sản lượng ước đạt 6.000 tấn/năm, với mức giá trung bình từ 15.000-25.000 đồng/kg hồng, giá trị hàng năm thu được ước khoảng 72 tỷ đồng. HTX sản xuất và kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò cũng đang đẩy mạnh phát triển theo mô hình sản xuất bền vững.

Xã Tân Mỹ là địa phương có diện tích hồng Vành Khuyên lớn nhất huyện Văn Lãng, với gần 500 ha; trong đó 300 ha cho thu hoạch quả và gần 200 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Năm 2016, sản phẩm quả hồng Vành Khuyên của huyện Văn Lãng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Năm 2018, sản phẩm hồng Vành Khuyên đã được chứng nhận Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2020 và 2021, hồng Vành Khuyên Nà Mò, xã Tân Mỹ và hồng Vành Khuyên Pò Pheo, xã Hoàng Việt đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ và thương hiệu hồng Vành Khuyên ngày càng lớn, nhiều thương lái ở các địa phương khác đã đến đặt hàng ngay từ đầu vụ, bao khoán thu mua tận nơi. Điều này giúp các chủ vườn hồng thêm tâm lý phấn khởi.

Giải "bài toán" đa dạng sản phẩm

Tuy nhiên, để đưa trái hồng Vành Khuyên phát triển bền vững hơn nữa vẫn là nỗi trăn trở của ông Hoàng Văn Hậu. Ông cho hay, mùa vụ của quả hồng Vành Khuyên kéo dài từ tháng 7 âm lịch đến hết tháng 9 âm lịch hàng năm. Do chủ yếu bán cho thương lái nên giá trị thu về vẫn chưa cao so với tiềm năng, chưa kể việc người dân thấy lợi ích nên mở rộng trồng loại cây này cũng như nhiều sản phẩm còn mạo danh hồng Vành Khuyên khiến ảnh hưởng đến giá cả chung.

Ngoài bán sản phẩm, HTX còn có chương trình bán nguyên gốc cây hồng đẹp nhất, có giá lên tới 6 triệu đồng/cây (Ảnh: NVCC).

Ngoài bán sản phẩm, HTX còn có chương trình bán nguyên gốc cây hồng đẹp nhất, có giá lên tới 6 triệu đồng/cây (Ảnh: NVCC).

Theo đó, ngoài bán tươi cho thương lái, HTX đang thử nghiệm làm các sản phẩm hồng treo gió, sấy dẻo, bán hồng cả cây… Mỗi kg hồng sấy dẻo có giá bán từ 450 – 500 nghìn, cao hơn rất nhiều lần so với giá bán hồng tươi. Vì vậy, “chúng tôi đang thử nghiệm mở rộng quy mô sấy dẻo quả hồng. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay đang gặp phải là máy móc, trình độ công nghệ còn hạn chế, chủ yếu làm thủ công nên quy mô nhỏ lẻ, chưa thu về nhiều giá trị như kỳ vọng”, ông Hậu nói.

Theo đó, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò bày tỏ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn nữa về công nghệ, cũng như các chính sách tín dụng để HTX mở rộng quy mô. “Hiện nay, tôi vẫn phải thế chấp sổ đỏ của gia đình để vay vốn cho HTX phát triển”, ông Hậu chia sẻ.

Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng cho biết, để cây hồng Vành Khuyên trên địa bàn huyện phát triển bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho bà con, thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.

Cùng với đó, địa phương sẽ thực hiện cải tạo những vùng trồng hồng già cỗi; xây dựng và hình thành vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ cho cây hồng Vành Khuyên; hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm bằng các phương pháp chế biến sâu như: hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, hồng sấy…

Đồng thời, địa phương đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ, sàn thương mại điện tử; tăng cường tìm kiếm kết nối tiêu thụ để sản phẩm hồng Vành Khuyên của huyện có đầu ra ổn định, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-thu-tram-trieu-moi-nam-nho-trong-cay-troi-ban-1096045.html