Nông dân thu về khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm từ nuôi cá mú lồng bè
Với 40 lồng nuôi cá mú, ông Đỗ Văn Được (tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có lợi nhuận mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng, trở thành người nuôi cá mú có tiếng tại tỉnh Quảng Ngãi.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá mú, ông Đỗ Văn Được đang sở hữu 40 lồng nuôi cá mú tại vùng cửa biển Sa Huỳnh, trong đó số nuôi cá bột (cá giống con) là 15 lồng, nuôi thương phẩm là 25 lồng. Bình quân mỗi lồng nuôi khoảng 500-600 con cá.
Kể về cơ duyên đến với nghề nuôi cá, ông Được cho biết, ông từng là người thu mua và cung cấp tôm hùm nhí cho người dân ở tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Sau một thời gian nuôi, ông nhận thấy đầu ra của tôm hùm nhí không ổn định, nếu thị trường giảm sức mua, người nuôi sẽ phải bán đổ bán tháo. Ông Được muốn tìm một hướng đi bền vững cho nghề nuôi trồng thủy sản tại vùng cửa biển Sa Huỳnh.
Sau nhiều lần thử nghiệm, ông Được đã đầu tư nuôi cá mú trân châu, loại cá sống tầng đáy, dễ nuôi và được thị trường nội địa tiêu thụ mạnh, giá bán ổn định. Ông Được cho biết: “Cá mú không đòi hỏi kỹ thuật nhiều như nuôi tôm hùm nhí, giai đoạn khó nhất tập trung lúc thả cá bột, lúc này cá dễ bị bệnh đường ruột và ghẻ, dẫn đến cá chết hàng loạt. Do vậy, cứ 3 tháng/lần cần phải thay lồng nuôi, sử dụng thuốc pha để vệ sinh cho cá khỏi bệnh ngoài da”.
Đối với cá mú, ông Được cho cá ăn từ 4-5 lần/ngày, thức ăn chủ yếu là cá tạp, cá con, sinh vật phù du, bình quân chi phí để nuôi 1 con cá mú đến khi xuất bán khoảng 120.00 đồng/con/năm.
Sau 1 năm, cá mú loại 1 đạt trọng lượng 1-1,4kg/con có giá khoảng 180.000 đồng/kg; cá mú loại 2, trọng lượng từ 1,5-2,4kg/con, có giá khoảng 160.000 đồng/kg; còn lại các trọng lượng trên 2,5kg/con thì có giá dao động 140.000 đồng/kg. Cá mú được xuất bán sang các tỉnh lân cận, đặc biệt thị trường Đà Nẵng. Nhờ nuôi trồng cá mú lồng bè, sau khi trừ chi phí, công, thức ăn… ông Được thu về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Với những thành tích xuất sắc về phát triển nuôi trồng thủy sản, ông Được nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Ông Thái Thuần Lăng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Thạnh, cho biết: “Phường Phổ Thạnh có địa thế cảng Sa Huỳnh giáp biển, tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản gần bờ. Hiện nay có 90 hộ nuôi trồng thủy sản với gần 1.000 lồng bè, riêng hộ ông Được đã thành công trong nuôi cá mú thương phẩm. Hội Nông dân rất quan tâm và tạo điều kiện về vay vốn cho hộ ông Được cũng như các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phường và kiến nghị các cấp tổ chức hướng dẫn nuôi trồng thủy sản cho các hộ nuôi”.
Theo ông Lăng, hiện nay phường Phổ Thạnh chưa có vùng nuôi nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư. Địa phương mong các cấp quan tâm, tạo điều kiện quy hoạch vùng nuôi, từ đó giúp người dân an tâm phát triển kinh tế đời sống.