Nông dân Thuận Châu thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở huyện Thuận Châu ngày càng phát triển và lan tỏa rộng. Qua phong trào, đã giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên.

Mô hình trồng cam của nông dân xã Phổng Lái.

Mô hình trồng cam của nông dân xã Phổng Lái.

Hội Nông dân huyện Thuận Châu có trên 29.000 hội viên, sinh hoạt tại 29 tổ chức hội cơ sở. Xác định thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, Hội đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền hội viên chuyển hướng sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; có chính sách ưu đãi cho nông dân vay vốn phát triển cây trồng, con nuôi... cung ứng giống phân bón, vật tư trả chậm, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể, đã thành lập 151 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 1.990 hộ, dư nợ cho vay trên 197 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện thành lập 151 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 6.288 hộ, dư nợ cho vay trên 160 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2020, Hội đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu và các ngành liên quan tổ chức 145 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 14.500 lượt hội viên nông dân tại các xã.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi còn góp phần từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, như vùng trồng rau xã Thôm Mòn, Tông Lạnh; chăn nuôi trâu, bò sinh sản ở xã Long Hẹ, Chiềng Pha, Phổng Lái; nuôi cá ở xã Chiềng La, Chiềng Bôm, Púng Tra... Các hộ nông dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi.

Là hội viên đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2015-2022, ông Phạm Văn Tiện, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, cho biết: “Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách - Xã hội và được cán bộ Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp huyện tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả, gia đình tôi đã chuyển đổi đất trồng sắn, ngô sang trồng cây ăn quả, hiện, gia đình có 5 ha chanh leo, đào, bơ. Từ trồng cây ăn quả, trung bình mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Tôi còn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trong bản; đến nay, đã giúp 10 hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu”.

Cũng với phương pháp làm bền vững, mô hình liên kết trồng, chế biến chè của chị Nguyễn Thị Bình, hội viên nông dân bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, đã cho thu nhập 800 triệu đồng/năm; mô hình trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Lò Văn Sứa, hội viên nông dân bản Nong Lào, xã Chiềng Pha, thu nhập 500 triệu đồng/năm; chăn nuôi tổng hợp của ông Lò Văn Luận, bản Tam, xã Chiềng Ngàm, thu nhập 450 triệu đồng/năm...

Bà Lý Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, cho biết: Trong năm 2020, huyện có 3.235 hộ hội viên đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Trong đó, 15 hộ SXKD giỏi cấp Trung ương; 177 hộ SXKD giỏi cấp tỉnh; 398 hộ SXKD giỏi cấp huyện 2.645 hộ SXKD giỏi cấp cơ sở. Để phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo ngày càng lan tỏa đi vào chiều sâu, Hội tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ hội viên, nông dân, nhất là hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế điển hình, phù hợp với mỗi địa phương...

Có thể thấy, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở huyện Thuận Châu đã tác động tích cực tới các hội viên nông dân, giúp họ đổi mới tư duy, cách làm để áp dụng các loại cây, con giống có năng suất và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh doanh, sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nong-dan-thuan-chau-thi-dua-san-xuat-kinh-doanh-gioi-36648