Nông dân tích cực chăm sóc lúa đông xuân
ĐBP - Vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh gieo cấy 9.585,6/9.750,6ha (đạt 98,3% kế hoạch), giảm 88,3ha so với niên vụ trước do hạn hán, thiếu nước tại một số địa bàn. Hiện nay cây lúa phát triển tốt, trà chính vụ đang trong giai đoạn trỗ bông, chín sữa. Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trên lúa đông xuân là 2.360,88ha (giảm 13,55ha so với kỳ trước) trong đó chủ yếu là các bệnh: Ðạo ôn gây hại trên lá và cổ lá; khô vằn gây hại trên trà sớm, trà chính vụ; lứa rầy 3 tiếp tục tích lũy số lượng gây hại trên các trà lúa tại địa bàn các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ… Những trận mưa thời gian qua đã góp phần giải hạn cho những ngày hạn hán trước đó nhưng cũng gây ra thiệt hại cho cây lúa; nhất là lúa đang trong giai đoạn trỗ bông, mưa gió dễ làm lúa bị đổ. Do đó, hiện nay nông dân tích cực thăm đồng, chăm sóc lúa.
Nông dân bản Bánh, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) khắc phục diện tích lúa bị đổ do mưa gió.
Sau vài trận mưa gió vừa qua, chị Vì Thị Ðón, bản Bánh, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) ra đồng khắc phục những chòm lúa bị gió tạt đổ. Chị Ðón cho biết: “Gia đình tôi có gần 2.000m2 lúa bị mưa gió làm đổ. Mấy hôm nay, đa số bà con ra ruộng đều là để cứu lúa bị đổ; một số người thì tranh thủ tạnh ráo đi phun thuốc phòng rầy”.
Cách ruộng nhà chị Ðón không xa, gia đình anh Quàng Văn Biên đang cặm cụi buộc cây lúa bị đổ do trận mưa những ngày qua. Anh Biên cho biết: 3 ngày nay gia đình tôi phải tranh thủ lúc trời ngớt hoặc tạnh mưa để đi buộc lúa. Thời điểm này là lúc lúa trỗ bông cây lúa nặng, dễ đổ, vậy mà mấy ngày nay mưa gió to liên tục nên tôi rất lo lắng. Nếu lúa đổ mà không buộc lên kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Gia đình tôi có 1.500m2 lúa, phải huy động 4 người trong nhà đi buộc lúa thì mới xong được. Tuy nhiên, buộc lúa xong trời tạnh ráo là tôi phải phun thuốc phòng rầy để phòng ngay. Vụ này là vụ đầu tiên gia đình tôi tham gia dồn điền đổi thửa, các hộ sử dụng giống Séng cù trên cùng một diện tích nên nếu nhiễm bệnh là sẽ lây lan hết cả khu.”
Trước diễn biến thời tiết phức tạp của vụ đông xuân 2019 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động nhiều giải pháp để khắc phục sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Ông Trần Sỹ Quân, Phó phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trận mưa những ngày qua đã giải hạn phần nào cho những diện tích đang khô hạn trước đó. Các diện tích có nguy cơ thiếu nước, không đảm bảo để trồng lúa đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo và người dân chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn như: Ngô, đậu tương, lạc, rau màu… Những diện tích bị thiệt hại do hạn hán, mưa đá đã và đang được chính quyền địa phương và người dân khắc phục, đảm bảo sản xuất. Thời gian qua, tình trạng khô hạn kéo dài ở một số diện tích làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng; đặc biệt trong thời gian cây lúa bước vào giai đoạn trổ bông - vào chắc, nếu thiếu nước ảnh hưởng lớn đến năng suất, cũng như hiệu quả phòng, chống dịch hại. Các vùng sản xuất lúa tập trung chủ yếu sử dụng giống lúa có chất lượng gạo ngon phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng lại dễ nhiễm sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn. Từ nay đến khi thu hoạch lúa đông xuân chỉ còn gần 1 tháng, để bảo đảm cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, theo dõi sự phát sinh của các đối tượng gây hại, có giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, để bệnh đạo ôn cổ bông, tập đoàn rầy, châu chấu tre, sâu keo mùa thu và các dịch hại khác không bùng phát, gây thiệt hại đến sản xuất, người dân cần bón phân đủ nhu cầu dinh dưỡng, không bón thừa phân đạm; chú ý bón thúc đón đòng đúng thời điểm đối với trà muộn, dừng bón phân đạm khi lúa đã ôm đòng; bón tăng lượng phân kaly để hạn chế sâu bệnh gây hại mạnh, nhất là sau các đợt mưa, dông. Song song đó là tăng cường theo dõi, bám sát đồng ruộng, phát hiện sinh vật gây hại sớm, đánh giá dự báo nguy cơ để kịp thời phòng, chống hiệu quả.