Nông dân Trà Vinh ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp

Nông dân Trà Vinh đang dần thay đổi phương thức canh tác theo hướng nông nghiệp thông minh để giảm thiểu rủi ro, nâng cao giá trị nông sản. Phương thức sản xuất này không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản mà còn giải phóng sức lao động và thu được lợi nhuận cao hơn.

Một trong những nông dân thực hiện thành công kỹ thuật trồng trọt tiên tiến và chuyển đổi số hiệu quả, phải kể đến mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Huỳnh Sa Rây (dân tộc Khmer) ở Phường 7, TP Trà Vinh. Với diện tích 1.200m2 nhà màng, hàng năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng từ dưa lưới, cao gấp vài chục lần so với trồng lúa. Anh Sa Rây cho biết, trồng dưa lưới trong nhà màng có ưu điểm vượt trội, giúp bảo vệ dưa lưới ít chịu tác động của thời tiết, ngăn côn trùng xâm nhập, trong khi hệ thống tưới nhỏ giọt thì kiểm soát được lượng nước, giúp dưa hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Đặc biệt hệ thống tưới này được kết nối với app điều khiển từ xa bằng thoại thông minh.

Anh Huỳnh Sa Rây kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt trước khi xuống giống dưa lưới

Anh Huỳnh Sa Rây kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt trước khi xuống giống dưa lưới

Anh Huỳnh Sa Rây ở Phường 7, TP Trà Vinh cho biết: “Trồng trong nhà màng thì dưa lưới tránh được côn trùng nên không lo về yếu tố gây hại từ bên ngoài. Còn về việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ngoài được kết nối điều khiển từ xa còn kiểm soát được lượng nước tưới, đặc biệt hệ thống này có thể điều chỉnh lượng dinh dưỡng từ phân bón cho phù hợp với nhu cầu của cây dưa. Một năm tôi trồng được 4 vụ, đầu ra tốt nhất là vụ giáp tết Nguyên đán”.

Còn anh Sơn Sa Vết, ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, dù là nông dân có truyền thống canh tác lúa nhiều thế hệ, nhưng đầu năm 2023 đã quyết định chuyển 3 công đất lúa sang trồng chanh không hạt. Anh Sa Vết cho biết dù lần đầu trồng loại chanh này nhưng anh không gặp khó khăn gì, ngược lại còn rất tự tin vì sau khi đăng ký tham gia HTX thì mọi kỹ thuật, giống…đến đầu ra sản phẩm đều được HTX hỗ trợ và cam kết bao tiêu. Hiện cây chanh đã được 18 tháng tuổi và bắt đầu cho trái nhưng anh chỉ lấy phân nửa trái, còn lại phải cắt bỏ để dưỡng cây.

Niềm vui của Sơn Sa Vết khi chuyển từ lúa sang chanh không hạt đạt hiệu quả cao

Niềm vui của Sơn Sa Vết khi chuyển từ lúa sang chanh không hạt đạt hiệu quả cao

Theo như những người có thâm niên trồng chanh không hạt, trung bình mỗi năm 01 cây chanh cho trái từ 70-100 kg, với giá thị trường dao động từ 8.000 đến 20.000kg, được HTX bao tiêu với giá không dưới 10.000đồng/kg đối với chanh đạt chuẩn xuất khẩu thì nông dân có lãi 300-400 triệu đồng/ha. Anh Sơn Sa Vết chia sẻ: kỹ thuật canh tác nông nghiệp bây giờ rất tiên tiến, kỹ sư có thể hướng dẫn nông dân qua điện thoại thông minh: “Sản phẩm thì được bao tiêu, thứ hai về kỹ thuật trồng thì HTX cử người hướng dẫn trực tiếp, cung cấp kiến thức cơ bản cho mình. Về sau thì hướng dẫn trên điện thoại có kết nối mạng. Ví dụ khi phát hiện có triệu chứng lạ thì chụp ảnh gửi lên nhóm để được hướng dẫn xử lý. Sử dụng phân gì, thuốc gì đều phải ghi chép đầy đủ và gửi cho người quản lý. Làm nông nghiệp bây giờ nhàng lắm, những hộ trồng nhiều, tưới nước cũng điều khiển từ xa”. Anh Sa Vết chia sẻ.

Không chỉ loại nông sản có giá trị cao mà cả trong sản xuất lúa, nông dân cũng không còn tình trạng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa. Trước đây trong quy trình sản xuất lúa, vất vả và ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là khâu phun thuốc diệt rầy, vì chủ yếu dùng sức người. Tại các mô hình liên kết sản xuất, HTX hiện nay hầu hết các khâu sản xuất, từ chuẩn bị đất cho đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa. Một số HTX xã đã tiến tới quản lý nước, sâu rầy, dịch bệnh thông qua app điện thoại thông minh. Cách làm này không chỉ mang lại hiệu quả cao hơn mà còn giải phóng được nhiều sức lao động của nông dân.

Thiết bị giám sát côn trùng, mực nước và khí thải Carbon trên ruộng lúa của HTX Nông nghiệp Phước Hảo

Thiết bị giám sát côn trùng, mực nước và khí thải Carbon trên ruộng lúa của HTX Nông nghiệp Phước Hảo

Ông Trương Hòa Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành cho biết: “Canh tác lúa bây giờ phun xịt thì bằng drone, sạ thì có máy sạ cụm, rồi gặt, cuốn rơm đều bằng máy hết. Riêng giám sát côn trùng, dịch bệnh…đều thông qua app điện thoại và cuối vụ thì tổng kết lại. Cách canh tác này hiệu quả rất nhiều, nông dân ở nhà cũng có thể biết được 1m2 lúa hôm nay có bao nhiêu côn trùng, nếu ít thì không đăng ký xịt. Nói chung nông dân quản lý dịch bệnh bằng điện thoại hiệu quả hơn xưa rất nhiều”.

Trà Vinh đẩy mạnh cơ giới hóa và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Trà Vinh đẩy mạnh cơ giới hóa và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

HTX Nông nghiệp Phước Hảo là một trong những HTX được Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp với kỹ thuật canh tác tiên tiến. Qua 2 vụ sản xuất thí điểm, năng suất lúa luôn cao hơn từ 0,8-1 tấn/ha so với năng suất lúa sản xuất thông thường ngoài mô hình. Với kỹ thuật sạ cụm, lượng giống chỉ cần 60 kg/ha so với 120-150 kg/ha như trước đây. Ngoài ra, lượng phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể; hạn chế đổ ngã, tỷ lệ hạt chắc cao giúp năng suất cũng cao hơn. Cách canh tác tiên tiến này đã đạt lợi nhuận hơn 46 triệu đồng/ha, tăng hơn 7 triệu đồng/ha so với canh tác theo tập quán cũ.

Thạch Trà Vinh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-tra-vinh-ung-dung-manh-me-chuyen-doi-so-vao-san-xuat-nong-nghiep-post1144732.vov