Nông dân trồng mía lao đao trước vụ thu hoạch mới
Niên vụ năm 2020-2021, các nhà máy sản xuất có tăng giá thu mua mía và có chính sách hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ. Tuy nhiên, vì các nhà máy ép mía trên địa bàn tỉnh không còn hoạt động, nông dân phải bán mía đi các tỉnh xa nên vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, thậm chí tiếp tục đối mặt với nguy cơ một vụ thu hoạch thua lỗ.
Nhiều năm trở lại đây, trồng mía không mang lại lợi nhuận nên diện tích mía trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Niên vụ 2020-2021, toàn tỉnh chỉ còn 261ha mía, giảm hơn rất nhiều lần so với diện tích hàng ngàn ha vào vài năm trước đó. Tiếp tục đối mặt với vụ thu hoạch khó khăn, cây mía có nguy cơ xóa sổ trên địa bàn tỉnh.
* Nhiều rủi ro trong niên vụ mới
Thời điểm này, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch mía niên vụ 2020-2021. Do lợi nhuận thấp, diện tích mía của Đồng Nai giảm mạnh, các vùng chuyên canh cây mía với diện tích lớn hầu như không còn mà đa số chỉ còn những nông dân trồng mía với diện tích manh mún. Niên vụ này, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh không thu mua mía do ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động nên nông dân phải đưa mía đi tiêu thụ ở các tỉnh xa với rất nhiều khó khăn.
Đồng Nai từng phát triển được hơn 10 ngàn ha mía và thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư những nhà máy mía đường sử dụng công nghệ hiện đại. Hiện nhiều vùng chuyên canh mía của tỉnh đã bị “xóa sổ”, chuyển đổi sang những cây trồng khác cho lợi nhuận cao hơn do ngành Mía đường yếu thế cạnh tranh khi bước vào hội nhập. Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, tính đến tháng 1-2021, tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh chỉ còn 261ha.
Ông Đào Văn Hạnh, người dân ấp 3B, xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) cho hay, gia đình ông có hơn 10ha mía. Niên vụ 2020-2021, gia đình ông đã ký hợp đồng cung cấp cho Công ty CP Mía đường La Ngà (H.Định Quán) với sản lượng hơn 600 tấn. Doanh nghiệp cam kết sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư, chăm sóc cho gia đình ông với mức từ 35-40 triệu đồng/ha đối với diện tích mía trồng mới; từ 15-18 triệu đồng đối với diện tích mía tái sinh (hình thức cho vay theo lãi suất ngân hàng). Tuy nhiên đến nay, gia đình ông vẫn chưa nhận được nguồn hỗ trợ này. Đầu tháng
12-2020 vừa qua, bên công ty có họp dân để thông báo rằng tạm ngưng thu mua vì công ty bị đình chỉ hoạt động 9 tháng. Phía công ty có cam kết hỗ trợ cho người trồng mía chi phí vận chuyển mía đi bán nơi khác với mức 100 ngàn đồng/tấn nhưng đến nay người dân vẫn chưa được hỗ trợ. Hiện ông Hạnh đang thuê xe chở mía ra bán cho Công ty Mía đường Ninh Thuận với cước phí 370 ngàn đồng/tấn. Khó khăn hơn nữa là bên công ty ở Ninh Thuận vẫn chưa cho mức giá mua mía. “Chúng tôi cứ chặt mía rồi chở ra bán cho công ty ở Ninh Thuận dù họ chỉ cho nông dân tạm ứng một phần tiền bán mía để trang trải chi phí vận chuyển. Người trồng mía chúng tôi chỉ lo tiền vận chuyển vượt quá tiền bán mía nhưng vẫn phải thu hoạch vì cây mía để lâu sẽ bị khô, mất năng suất, chất lượng, đồng thời rủi ro mía cháy cũng càng lớn” - ông Hạnh nói.
Bà Đào Thị Nhung, người dân ấp 3B, xã Xuân Bắc đã gắn bó hơn 30 năm với cây mía cho biết, mấy năm gần đây, giá mía liên tục xuống thấp, nông dân thua lỗ. nhiều hộ đã chuyển đổi sang canh tác cây trồng khác như mít, cây ăn quả hay rau màu. Theo bà Nhung: “Năm nay, diện tích mía giảm mạnh. Nguồn cung giảm, tôi kỳ vọng lợi nhuận từ cây mía sẽ khả quan hơn nhưng tình hình thực tế lại quá thê thảm vì nhà máy tại địa phương ngừng thu mua, chi phí đầu tư cũng không được hỗ trợ như cam kết trước đó”.
Từng có hàng chục năm gắn bó với cây mía, thuê thêm đất trồng mía với diện tích lớn, nhưng niên vụ năm 2020-2021, gia đình ông Ngô Ngọc Hưởng, nông dân trồng mía ở xã Trung Hòa (H.Trảng Bom) chỉ còn giữ lại vài ha mía. Tuy diện tích ít nhưng ông Hưởng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ vì hiện các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh không còn hoạt động, ông phải bán mía cho nhà máy ở tận Ninh Thuận. Ông Hưởng ngậm ngùi: “Tuy nhà máy thu mua tổ chức xe vào tận nơi vận chuyển, có chính sách hỗ trợ tiền vận chuyển, nhưng bán đi xa khiến trọng lượng, chữ đường của mía bị hao hụt, nông dân cũng tốn chi phí hơn trong vận chuyển. Đây cũng là nguyên nhân khiến nông dân ở vùng này không ai còn mặn mà với cây mía”.
* Người trồng mía mong được hỗ trợ
Niên vụ thu hoạch 2020-2021, nông dân trồng mía tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn về đầu ra vì các nhà máy ép mía đã ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động, người trồng mía rất mong được hỗ trợ trước khó khăn.
Bà Đoàn Thị Ánh, người dân ấp 2, xã Xuân Bắc đã gắn bó với cây mía, với Công ty CP Mía đường La Ngà từ năm 1987 tới nay. Với hơn 20ha mía, mỗi anh em trong gia đình bà đều cung cấp cho nhà máy hơn 2 ngàn tấn mía/vụ thu hoạch. Dù trải qua bao thăng trầm do giá cả trồi sụt nhưng gia đình bà vẫn gắn bó với cây mía vì vùng đất này không có nguồn nước tưới nên không thể chuyển đổi sang cây trồng khác. Bà Ánh mong muốn: “Gia đình tôi chỉ mong Công ty CP Mía đường La Ngà cũng như chính quyền các cấp tạo điều kiện hỗ trợ để người dân vượt qua khó khăn, yên tâm canh tác, nhằm giữ được vùng nguyên liệu mía đường này”.
Trao đổi về khó khăn của người trồng mía, ông Nguyễn Chí Cường, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Xuân Bắc cho hay, cách đây hơn 20 năm, Xuân Bắc là vùng nguyên liệu mía quy mô lớn của Công ty CP Mía đường La Ngà với tổng diện tích trên 1,2 ngàn ha vì vùng đất này rất phù hợp với cây mía. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá mía liên tục xuống thấp, nông dân thua lỗ, cộng với sự buông xuôi về các chính sách hỗ trợ của nhà máy nên nông dân đã bỏ diện tích mía rất nhiều, đến nay chỉ còn hơn 200ha. Trước tình hình khó khăn của cây mía, nhiều hộ dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả khiến cho diện tích những cây trồng này tăng đột biến, đầu ra không ổn định. Ông Cường kiến nghị: “Đối với các diện tích còn lại do không chủ động được nguồn nước tưới nên nông dân buộc phải gắn bó với cây mía. Rất mong chính quyền các cấp, các ngành chức năng tìm ra giải pháp giúp nông dân trồng mía thoát khỏi cơn lao đao này”.