Nông dân trồng rau công nghệ cao bán cho hệ thống siêu thị
Ông Nguyễn Văn Dinh (thôn Quỳnh Châu Đông, Lạc Lâm, Đơn Dương) với diện tích hơn 2 ha nhà lưới, nhà kính áp dụng nông nghiệp theo hướng an toàn (VietGAP) để trồng các loại cây: ớt chuông, cà chua, hoa cát tường... cung cấp cho các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng, siêu thị, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Dinh sinh ra và lớn lên ở xứ rau Lạc Lâm, Đơn Dương, từ nhỏ đã gắn bó với nghề nông trên ruộng đồng của gia đình. Trước đây, do sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống nên người dân phải thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa, lao động chân tay vất vả. Nay do áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao nên máy móc đã thay thế sức người.
Ông Dinh là người đi tiên phong trong phát triển rau công nghệ cao ở Lạc Lâm. Hiện gia đình ông đang sản xuất trên 2,1 ha đất, trong đó có 1,8 ha nhà lưới, 3 sào nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt sản xuất nông sản sạch, bên cạnh đó ông còn áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất như hệ thống phần mềm kiểm soát độ ẩm, tưới nước, quản lý nhật ký đồng ruộng... Ông Dinh cho biết: “Thực tế thì gia đình tôi và một số hộ trong vùng là những người áp dụng nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2014 như làm nhà lưới, tưới tự động, nhỏ giọt... đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất ngoài trời. Sau đó, tôi tích lũy thu nhập, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng nhà kính vào năm 2016, hoàn thiện công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2018, từ đó góp phần giúp rau màu đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu khi tôi làm những hệ thống này, do số tiền đầu tư quá lớn nên nhiều người cho rằng sẽ không mang lại hiệu quả, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại”.
Để sản phẩm đạt chất lượng đi các thị trường khó tính như các doanh nghiệp, hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị..., ông Dinh phải sản xuất sản phẩm theo hướng VietGAP. Ông Dinh chia sẻ: Khi sản xuất nông nghiệp sạch, điều quan trọng nhất là uy tín của sản phẩm mình làm ra, từ đó mới tạo được lòng tin cho người sử dụng. Ông Dinh cũng là một trong những nông dân tiên phong làm nông nghiệp bài bản theo tiêu chuẩn VietGAP ở Lạc Lâm. Khi triển khai, ông đã tham gia các lớp tập huấn canh tác rau an toàn do huyện, tỉnh tổ chức; đồng thời, ông cũng là người trực tiếp chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng rau của mình. Sản xuất rau theo quy trình VietGAP không chỉ giúp nông dân thay đổi nhận thức, mà còn giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong việc sử dụng nguồn rau sạch cho gia đình.
“Sản xuất rau VietGAP đang từng bước phát huy hiệu quả, vừa là điều kiện để nông dân học tập những kỹ thuật, tiến bộ khoa học trong sản xuất để đưa sản phẩm ngày càng chất lượng ra thị trường bên ngoài, vừa quảng bá, tìm đầu ra ổn định với giá thành hợp lý. Từ đó tạo ra một vùng nguyên liệu sạch có uy tín trên thị trường”, ông Dinh khẳng định.
Các sản phẩm dưa baby, cà chua, ớt chuông... của gia đình ông luôn được đánh giá cao về chất lượng. Do đó mà giá trị nông sản được nâng lên đáng kể, hiệu quả kinh tế cũng theo đó tăng lên. Thu nhập bình quân hàng năm khoảng trên 1 tỷ đồng sau khi trừ mọi khoản chi phí.
Ngoài làm giàu cho gia đình, trong quá trình sản xuất, ông Dinh còn tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho các hộ xung quanh, tạo việc làm thường xuyên cho 10 công lao động, góp phần tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trương Quang Kiên, Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết, trồng rau sạch, an toàn, để cung ứng thị trường siêu thị là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Thực tế hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dinh là một minh chứng cụ thể. Tại địa phương sản xuất rau VietGAP chưa nhiều, có những người tiên phong sẽ tạo tiền đề cho nhiều hộ nông dân khác học hỏi và nhân rộng ra, từ đó ý thức sản xuất nông nghiệp sạch của nông dân ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, nông dân xã Lạc Lâm cũng đã bắt đầu tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp để kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp nông sản địa phương có thể tiếp cận các thị trường khó tính. Trong quá trình sản xuất, nông dân Lạc Lâm luôn nhận được sự quan tâm sâu sát và kịp thời của chính quyền địa phương như: hỗ trợ vốn xây dựng nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt và gần đây nhất đã được Nhà nước hỗ trợ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh (Hệ thống tưới thông minh kèm châm phân). Từ đó, hiệu quả trong sản xuất ngày càng được nâng lên.
Thời gian tới, xã Lạc Lâm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tập huấn để nông dân nâng cao nhận thức trong cải tạo đất, luân canh nhằm phòng chống các loại dịch bệnh trên cây trồng. Vận động người dân sản xuất nông sản theo quy trình kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp nhằm hình thành chuỗi giá trị nông sản, tăng thu nhập.