Nông dân Trung Quốc trở thành ngôi sao 'livestream', tạo doanh số hàng tỉ đôla mỗi năm
Zhong Haihui, ông chủ của một trong những vườn cam ở vùng ngoại ô Trương Gia Giới thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã có một bước thay đổi lớn từ một nông dân trồng trái cây trở thành ngôi sao 'livestream' (phát sóng trực tiếp).
Vào năm 2017, hàng xóm trong cộng đồng nông dân của anh ban đầu cảm thấy lạ lùng vào khi nhìn thấy Zhong đội mũ cao bồi và đứng trên một tảng đá lớn, nói chuyện say sưa hàng giờ trước chiếc điện thoại thông minh của anh về những loại trái cây được trồng ở quê nhà.
Nhưng hai năm sau, nhiều nông dân trên khắp Trung Quốc đã nhảy vào tham gia đội ngũ livestream để quảng bá và bán sản phẩm của họ cho hàng triệu người tiêu dùng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Mọi thứ đều có vẻ lúng túng khi chúng tôi mới bắt đầu”, anh Zhong nói trong một cuộc phỏng vấn, “Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi thấy rằng mọi người khác cũng đang làm như thế”.
Zhong là một trong những nông dân đầu tiên ở Hồ Nam bắt đầu bán trái cây của họ bằng cách livestream, tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước thông qua nền tảng chia sẻ video ngắn Kuaishou và ứng dụng thương mại điện tử từ Alibaba Group Holding.
Zhong cho biết anh nói nhiều và hoạt bát hơn khi trò chuyện với những người theo dõi mình trên mạng. Anh ta tự gọi mình là “chú”, một biệt danh mà những người theo dõi anh vui lòng sử dụng. Và anh gọi người xem của mình là “bao bao”, dịch sang tiếng Anh là “baby”.
Đây cũng là một thuật ngữ phổ biến được sử dụng bởi những người phát trực tiếp trên Taobao dùng để gọi người xem của họ, điều này khiến họ có vẻ thân thiện cũng như giúp họ xây dựng mối quan hệ.
Người nông dân trồng trái cây Zhong Haihui, từ trung tâm tỉnh Hồ Nam Trung Quốc, đã bắt đầu đi du lịch khắp đất nước để thực hiện video phát trực tiếp từ nhiều vườn cây địa phương. Ảnh: Chris Chang
Zhong từng làm việc tại một trạm xăng và trong một nhà máy. Năm 2011, anh mở một cửa hàng thương mại điện tử trên Taobao, bán các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, việc bán hàng đã không khởi sắc cho đến cuối năm 2017 – khi anh bắt đầu thực hiện phát video trực tiếp.
Mặc dù không có ước tính chính thức về việc có bao nhiêu nông dân trên cả Trung Quốc hiện đang sử dụng “livestream” để bán nông phẩm, cả Taobao và Kuaishou đều muốn giúp nhiều nông dân kinh doanh trên nền tảng tương ứng của họ.
Taobao cho biết họ đặt mục tiêu phát triển mạng lưới 1.000 nông dân “livestream” tại 100 huyện trong năm nay, giúp mỗi người kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) thu nhập hằng tháng.
Theo ước tính của riêng Kuaishou, nền tảng này có hơn 1 triệu người dùng nông thôn bán các sản phẩm địa phương thông qua cả video ngắn và livestream. Những người dùng này đã kiếm được tổng cộng 19 tỉ nhân dân tệ (2,65 tỉ USD) vào năm ngoái. Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ về livestream vào năm 2016 – khi thị trường tăng 180% lên 20,8 tỉ nhân dân tệ so với năm trước đó.
Một yếu tố khác giúp nông dân bán hàng qua livestream là mối lo ngại ngày càng tăng đối với an toàn thực phẩm ở Trung Quốc, khiến nhiều người muốn tận mắt xem nơi sản xuất những gì họ tiêu thụ.
Zhong cho biết ông đã mở rộng kinh doanh trên Taobao bằng cách hợp tác với các vườn trái cây địa phương trên khắp đất nước. Anh dự định sẽ phát trực tiếp nhiều hơn với các đối tác này và vận chuyển trái cây từ trang trại của họ. Anh ấy cũng muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch kiêm “livestreamer “ tại Trương Gia Giới.
Là một địa điểm du lịch nổi tiếng với hơn 1,4 triệu cư dân, Trương Gia Giới nổi tiếng với dãy núi hiểm trở, bao gồm những đỉnh núi trông rất giống với những gì được thấy trong bộ phim Avatar nổi tiếng năm 2009.
Mong muốn kiếm tiền từ bộ phim thành công, chính quyền địa phương đã đổi tên một trong những ngọn núi thành “Avatar Hallelujah Mountain” vào năm 2010, dẫn đến phản ứng dữ dội của công chúng. Tuy nhiên, thị trường video phát trực tiếp Trung Quốc đã bắt đầu hạ nhiệt vì sự kiểm duyệt trực tuyến chặt chẽ hơn và sự quan tâm giảm đi của người dùng đối với những người trở nên nổi tiếng trên định dạng này.
Năm 2018, Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm 6% về tổng số người dùng phát trực tiếp, theo báo cáo internet hằng năm của Trung tâm thông tin mạng internet Trung Quốc.
Đó là danh mục dịch vụ trực tuyến duy nhất chứng kiến sự sụt giảm người dùng trong năm. Ngược lại, người dùng dịch vụ gọi chuyến xe tăng 40,9%.
Dù mọi người có thể đã mất hứng thú khi xem các “streamer” thực hiện những hoạt động như hát và nhảy, thì trọng tâm của họ đã chuyển sang các streamer khác lại hơn, điển hình như hoạt động của những người nông dân.
Người xem ở các thành phố lớn đã trở nên hấp dẫn bởi cuộc sống làng quê như được thể hiện qua các “livestreamers” từ những khu vực này.
Nhà điều hành ứng dụng chia sẻ video dạng ngắn Kuaishou cho biết người dùng từ các vùng nông thôn ở Trung Quốc đã kiếm được tổng cộng 2,65 tỉ USD vào năm 2018 bằng cách bán sản phẩm trên nền tảng của họ.
Những cô gái làng quê của tỉnh vùng tây nam Quý Châu đã đăng video nấu ăn trên núi, các gia đình sống ở vùng cao nguyên và những bữa tối gia đình ở rìa vách đá. Nhiều người trong số họ cũng có cửa hàng trên Kuaishou bán sản phẩm địa phương.
Kênh truyền hình trực tiếp của anh Zhong hiện có hơn 82.000 người theo dõi. Nhưng không dễ dàng để đạt được kỳ công này, đặc biệt là đối với một người không quen sử dụng máy ảnh hoặc không quen thuộc với văn hóa internet.
“Thật khó để bắt đầu gọi mọi người là “baby”, đặc biệt là khi tôi không còn trẻ nữa”, anh nói. Vì vậy, Zhong và đối tác của mình tiếp tục thực hiện khảo sát của họ. Họ dành nhiều thời gian để xem những người phát trực tiếp khác và xem lại những nội dung đã phát của họ. Họ thảo luận xem làm thế nào để làm tốt hơn trong lần phát tiếp theo.