Nông dân vui xuân không quên ruộng đồng

Những ngày qua, bên cạnh việc vui xuân đón tết, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An vẫn thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ sớm các sinh vật gây hại trên cây lúa.

Ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động thăm đồng trước, trong và sau tết

Ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động thăm đồng trước, trong và sau tết

Ngay từ sáng mùng 4 tết, ông Đỗ Văn Dũng (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) đã có mặt tại cánh đồng lúa rộng 10ha của gia đình. Ông Dũng cho biết, những năm trước vào dịp tết, sâu, bệnh thường xuyên phát sinh và gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Do vậy, bên cạnh vui xuân đón tết, ngày nào ông cũng dành vài giờ để đi thăm đồng.

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, ông Dũng gieo sạ giống lúa IR 4625 (nếp), đến nay được hơn 60 ngày tuổi. Qua thăm đồng, cho thấy mật độ rầy nâu trên lúa của ông rất thấp, không đáng kể.

Với kinh nghiệm của mình, ông Dũng đoán năng suất lúa của gia đình ông sẽ đạt khoảng 8 tấn/ha. "Vụ Đông Xuân là vụ lúa chính trong năm nên không thể lơ là trong chăm sóc. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, sâu, bệnh cũng ít xuất hiện nên tôi đang rất kỳ vọng vụ sản xuất này sẽ mang lại lợi nhuận cao”, ông Dũng bộc bạch.

Nông dân vui xuân nhưng không lơ là, bỏ quên ruộng đồng

Nông dân vui xuân nhưng không lơ là, bỏ quên ruộng đồng

Thăm 4ha lúa Đông Xuân, giống OM 18, ông Bùi Hoài Thanh (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Thời tiết bây giờ không còn theo quy luật, nên dịch hại trên lúa có thể xuất hiện và gây hại bất cứ lúc nào. Vì vậy, tôi và nông dân nơi đây thường xuyên đi thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ sinh vật gây hại được hiệu quả. Mong muốn chung của nông dân là vụ lúa Đông Xuân năm nay sẽ gặp thuận lợi, trúng mùa, bán được giá cao”.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, thời tiết như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật phát triển và gây hại nặng trên các trà lúa Đông Xuân, nhất là giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Do đó, để bảo vệ tốt cho vụ lúa chính trong năm, nông dân trong tỉnh cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa.

Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 238.775ha, bằng 107% kế hoạch, bằng 106% so cùng kỳ năm 2023; đã thu hoạch 57.414 ha, năng suất ước đạt 56,12 tạ/ha, sản lượng 322.193 tấn.

Nhiều loại sâu, bệnh có thể xuất hiện trong thời điểm này, nông dân cần chủ động thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ

Nhiều loại sâu, bệnh có thể xuất hiện trong thời điểm này, nông dân cần chủ động thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ

Ghi nhận của ngành Nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này có khoảng 8.756ha lúa nhiễm sâu năn, trong đó diện tích nhiễm nhẹ khoảng 3.241ha, diện tích nhiễm trung bình khoảng 3.185ha, diện tích nhiễm nặng khoảng 2.330ha; có khoảng 1.055ha lúa nhiễm rầy nâu, mật độ nhiễm phổ biến là từ 750-1.500 con/m2; hơn 3.022ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó tỷ lệ nhiễm 5-10% là 2.972ha, tỷ lệ nhiễm từ 10-20% là 50ha.

Ngoài ra, còn có các đối tượng sinh vật gây hại khác như rầy phấn trắng, chuột, bọ trĩ, ốc bươu vàng, bệnh vàng lá chín sớm, sâu cuốn lá nhỏ,…xuất hiện trên các trà lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ với diện tích và tỷ lệ nhiễm ở mức nhẹ, tập trung chủ yếu ở hầu hết các huyện và thị xã Kiến Tường.

Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra độ mặn tại các kênh, rạch, tuyến sông chính trên địa bàn tỉnh

Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra độ mặn tại các kênh, rạch, tuyến sông chính trên địa bàn tỉnh

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Trần Thị Mộng Thi, một số dịch hại như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu năn, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ,... có thể xuất hiện vào thời điểm này. Trong đó, rầy nâu có đợt rầy trưởng thành từ 28 tết kéo dài đến mùng 8 tết, nông dân cần chú ý theo dõi và phòng ngừa hiệu quả. Đặc biệt, trong khi phòng trừ sâu, bệnh, nông dân lưu ý chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và phải tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" để đạt hiệu quả tốt nhất.

“Đơn vị cũng đã khuyến cáo nông dân vui xuân đón tết nhưng không quên đồng ruộng. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn của ngành cần tăng cường thăm đồng, xây dựng kế hoạch về việc tổ chức tập huấn tình hình dịch hại và đã hướng dẫn biện pháp phòng trừ cho nông dân trước, trong và sau tết đối với các khu vực được dự báo về tình hình dịch hại sẽ bộc phát; đồng thời, cần chú ý các vùng có trồng giống lúa thơm chất lượng cao như OM 5451, RVT, Đài Thơm 8, ST 24, ST 25,… Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp các huyện phía Nam thường xuyên cập nhật số liệu về diễn biến xâm nhập mặn nhằm cung cấp thông tin sớm, kịp thời giúp nông dân chủ động phòng tránh mặn, bảo đảm sản xuất hiệu quả”, bà Trần Thị Mộng Thi cho biết./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nong-dan-vui-xuan-khong-quen-ruong-dong-a171286.html