Nông dân vùng ĐBSCL ổn định cuộc sống, đổi đời từ cây lục bình
Từ thân phận 'bèo dạt mây trôi', cây lục bình đã giúp nông dân hái ra tiền, trở thành cây xóa đói giảm nghèo của không ít địa phương…
Lục bình (hay gọi là bèo Tây), một thời trở thành nỗi ám ảnh của người dân vùng ĐBSCL. Loại cây này mọc và phát triển dày đặc ở khắp các tuyến sông, gây cản trở giao thông đường thủy.
Có một thời, như tại Hậu Giang, chính quyền đã phải nhiều lần mở các đợt cao điểm để xử lý lục bình.
Nhưng giờ đây, lục bình đã trở thành cây “hái ra tiền”, cho giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông hộ sống khỏe và đổi đời.
Anh Trần Văn Thắng (xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Trước đây lục bình mọc dày đặc trên sông, người dân phải thay nhau đi vớt, rồi đốt bỏ. Bây giờ lục bình rất có giá trị, được các công ty thu mua về làm các sản phảm đan lát như túi xách, giỏ…
“Tui làm nghề cắt lục bình mướn, mỗi kg được 500 đồng, mỗi ngày cắt vài trăm ký, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng”, anh Thắng nói.
Chị Dương Thúy Hằng, ở ấp 8, xã Thuận Hưng phấn khởi cho biết: Lục bình sau khi cắt được mang lên bờ phơi khô, xếp thành lọn nhỏ rồi buộc lại thành bó để giao cho công ty. Thông thường nếu lục bình đẹp thì cứ 12kg tươi sẽ được 1kg khô thành phẩm. Còn lục bình non, xấu thì khoảng 13-14kg tươi được 1kg khô.
Từ những cọng lục bình xanh, xốp, sau khi phơi đủ nắng và qua khâu xử lý sẽ cho ra những sợi mềm mại, dai và bền, dễ dàng đan lát, được người tiêu dùng ưa chuộng đa dạng mẫu mã và thân thiện với môi trường. Giá thu mua mỗi kg lục bình khô của công ty là khoảng 15.000 đồng.
Không chỉ phần cọng, bây giờ rễ lục bình cũng được nhiều nơi thu mua, làm thành phân bón hữu cơ. Với 1 tấn rễ lục bình, bà con cũng có thêm khoảng nửa triệu đồng.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, chủ vựa thu gom lục bình ở ấp 10, xã Thuận Hưng, cho biết: Trước đây, cắt lục bình toàn bỏ rễ, bây giờ có công ty thu mua nên bà con có thêm tiền phụ kinh tế gia đình mà con sông cũng bớt ô nhiễm. Hiện nay, giá rễ lục bình được thu mua tại vựa từ 300-400 đồng/kg (loại tươi).
"Toàn ấp 10 có 7 chị em thu gom cọng và rễ lục bình, vô bao, vận chuyển về nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại ấp 11, thị trấn Vĩnh Viễn. Khoảng 2 tuần công ty lấy một lần, 1 tháng rưỡi khoảng 50 tấn”, chị nói.
Ông Phùng Văn Phường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hưng cho hay: Lục bình là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương. Ngoài thu nhập từ ruộng lúa và cây ăn trái, nghề làm lục bình cũng tạo điều kiện cho bà con lúc nông nhàn với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng.
"Với mức này, bà con nông thôn sống khỏe. Bây giờ, đi dọc các tuyến sông trên địa bàn xã, dễ dàng thấy cảnh người dân thuê đất giữ lục bình trên sông. Người ít thuê vuông tương đương vài công, nhiều thì hơn chục công. Cứ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng là có thể cắt 1 lứa lục bình. Thu hoạch xong thì lùa cây mới vào nuôi tiếp, cứ như vậy, luân phiên nhau.
Ngoài lấy thân để đan đát thủ công, nếu rễ lục bình được thu mua luôn thì càng tốt, bởi khi thu hoạch thân xong, phần rễ sẽ bị bỏ đi, phân hủy gây ô nhiễm. Bán được luôn rễ để công ty làm phân bón thì tuyệt vời, vừa tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân vừa hạn chế ô nhiễm môi trường", ông cho biết.
Không chỉ giúp nông dân hái ra tiền, cây lục bình còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các chị em phụ nữ. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã mở hàng hàng lớp dạy nghề đan lục bình; với hàng trăm ngàn phụ nữ theo học.
Chị Trần Thị Mến (tỉnh Hậu Giang) cho biết, những năm trước gia đình rất khó khăn, nghề nghiệp không ổn định. Năm 2018, chị tham gia học nghề đan lục bình. Sau đó, chị được Hội LHPN xã giới thiệu nhận hàng gia công tại nhà, thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng.
Ban đầu chị Mến chỉ nhận làm gia công, nhưng hiện nay chị đã mở hẳn cơ sở thủ công mỹ nghệ, thu mua và phân phối nguyên liệu cho nhiều chị em khác cùng làm. Hiện tại mỗi tháng chị Mến có thu nhập tăng lên từ 5-7 triệu đồng.
Theo chị Mến, nghề này không làm giàu, nhưng giúp chị em có nguồn thu nhập thêm ngoài làm ruộng, vườn, chăn nuôi, vừa tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình nên ai cũng phấn khởi.