Nông dân xuống đồng sản xuất vụ xuân

Những ngày sau Tết Nguyên đán, nông dân huyện Bát Xát và huyện Bảo Thắng tranh thủ thời tiết thuận lợi, xuống đồng sản xuất lúa xuân trà sớm. Chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết, bắt đầu từ mùng 2, tại một số chân ruộng, người dân đã hối hả xuống đồng để bắt tay vào vụ sản xuất mới.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy hơn 10.000 ha lúa. Đến nay, người dân trong tỉnh đã làm đất được gần 4.000 ha, gieo hơn 70 tấn giống và cấy được 140 ha lúa trà sớm. Xã Bản Qua, huyện Bát Xát là địa phương sản xuất vụ xuân sớm nhất tỉnh. Ngay từ cuối tháng 12, nông dân trong xã đã khẩn trương thu hoạch rau vụ đông, giải phóng đất để gieo cấy lúa xuân. Dù bắt đầu sản xuất khá sớm nhưng rút kinh nghiệm từ vụ xuân năm trước, thời vụ được người dân trong xã đẩy lùi khoảng 1 - 2 tuần so với cùng kỳ.

Nông dân Bát Xát gieo cấy trà lúa sớm.

Nông dân Bát Xát gieo cấy trà lúa sớm.

Chị Nguyễn Thị Xẻn ở thôn Tân Bảo, xã Bản Qua cho biết: Năm trước, một số hộ đẩy sớm thời vụ 2 tuần so với thông thường. Kết quả là cây lúa bị nhiều sâu bệnh, kém phát triển, năng suất rất thấp. Rút kinh nghiệm, năm nay không hộ nào cấy trước Tết, gia đình tôi cấy sau Tết 1 tuần.

Xã Bản Qua là vùng sản xuất lúa giống trọng điểm của tỉnh với 10 ha lúa lai F1. Ngoài lúa giống, người dân trong xã còn sản xuất 190 ha lúa Séng cù theo mô hình cánh đồng một giống. Bà con thường cấy lúa Séng cù sớm hơn lúa giống khoảng 1 tuần, tránh việc lúa trỗ cùng thời điểm, xảy ra hiện tượng thụ phấn chéo, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn giống. Bởi thế, thời vụ sản xuất tại đây thường bắt đầu sớm hơn so với nhiều địa phương khác.

Anh Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Qua cho biết: Với tâm lý mong muốn có sản phẩm lúa Séng cù sớm, giá bán sẽ cao nên năm trước, một số hộ đẩy sớm thời vụ. Tuy nhiên, việc không tuân thủ khung thời vụ theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật khiến năng suất lúa chỉ đạt khoảng 50% so với cấy đúng thời gian thông thường. Năm nay, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân rút kinh nghiệm, sản xuất trà sớm nhưng phải tuân thủ khung thời vụ.

Tại Bảo Thắng, người dân các xã Xuân Giao, Gia Phú, Sơn Hà, Sơn Hải cũng bắt đầu bước vào vụ sản xuất mới. Sau Tết, hầu hết các loại cây vụ đông đã được nông dân thu hoạch, bà con dẫn nước vào ruộng, đổ ải để làm đất cấy lúa. Chị Trịnh Thị Vân ở thôn Cố Hải, xã Sơn Hải cho biết: Năm nay gia đình tôi cấy 3 sào lúa giống Thái Bình (BC15 - PV), giống này hay bị bệnh đạo ôn nhưng gạo ăn ngon. Chăm sóc tuy vất vả nhưng nhìn chung vụ xuân, lúa ít sâu bệnh, tôi đã quen với bệnh này rồi nên dễ phát hiện để phòng trừ.

Để phục vụ sản xuất vụ xuân, các đơn vị cung ứng giống trong tỉnh đã chuẩn bị đủ giống cho người dân. Tổng nhu cầu lượng giống lúa trong vụ xuân ước khoảng 400 tấn (80 tấn lúa lai, 320 tấn lúa thuần). Hiện nay, Trung tâm Giống Nông nghiệp Lào Cai và các cửa hàng, đại lý trên địa bàn đã chuẩn bị được khoảng 450 tấn giống lúa và 300 tấn giống ngô các loại. Các loại giống chủ lực trong vụ xuân như LH12, Séng cù, BC15, Bắc hương, Bắc thơm… cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Người dân xã Võ Lao (Văn Bàn) kiểm tra mạ xuân. Ảnh: Thanh Nam

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai về tình hình thời tiết vụ xuân năm 2020, khả năng trạng thái ENSO sẽ duy trì ở pha trung tính, nhưng vẫn nghiêng về pha nóng; tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2020 từ 30 đến 60 mm/tháng; nhiệt độ trung bình có thể cao hơn so với cùng thời kỳ từ 0,5 đến 1,5 độ C. Rét đậm tập trung nhiều trong tháng 1 và tháng 2/2020, cần đề phòng các đợt rét kéo dài 5 - 10 ngày trong thời gian này và có khả năng gây băng giá, sương muối, đặc biệt là khu vực vùng núi cao.

Vì vậy, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo người dân không gieo mạ hoặc cấy vào các ngày nhiệt độ dưới 15 độ C. Khi mạ được 1 lá thật, thường xuyên giữ đủ ẩm, mở dần nilon 2 đầu luống mạ. Những ngày có sương muối giá buốt, cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng; tuyệt đối không bón đạm, NPK cho mạ vào những ngày trời rét, không cắt, vặn ngọn mạ làm tổn thương cây lúa, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển, khả năng đẻ nhánh và dễ nhiễm sâu bệnh hại. Khi mạ đã ra rễ trắng và đủ tuổi thì đem cấy, trước khi nhổ mạ cấy từ 2 đến 3 ngày phải mở hết nilon để mạ quen dần với môi trường bên ngoài. Ngoài ra, người dân cũng cần có kế hoạch dự trữ giống để gieo bù lượng mạ khi thiếu hụt.

Thời vụ sản xuất được ngành chức năng hướng dẫn là nên bắt đầu gieo mạ và cấy lúa quanh tiết lập xuân (4/2/2020), kết thúc cấy trong tháng 3/2020, bà con sản xuất trà muộn để tránh thời tiết bất lợi gây ảnh hưởng đến cây lúa.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nong-dan-xuong-dong-san-xuat-vu-xuan-z3n20200210090519841.htm