Nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia
Đây là kết quả báo cáo nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019 do Trung tâm Sống và học tập và môi trường và cộng đồng (Live&Lean) phối hợp cùng trường Đại học Y tế công cộng (HUPH), Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) công bố ngày 12/8/2021 tại Hà Nội. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Chung tay vì không khí sạch hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Theo báo cáo này, nồng độ bụi PM2.5 trên toàn thành phố Hà Nội vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Cụ thể, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 µg/m³ đến 39,4 µg/m³. Các quận nội thành gồm Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2.5 cao nhất - đây là những khu vực tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Các huyện ngoại thành có nồng độ bụi PM2.5 thấp hơn.
Báo cáo cũng chỉ ra gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong và nhập viện do phơi nhiễm với bụi PM2.5 tại Hà Nội năm 2019 là đáng kể. Theo đó số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 2.855 ca, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân; tổng số năm sống bị mất của người dân Hà Nội do tử vong vì những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí là 79.933 năm.
Kỳ vọng sống bị mất di do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 908 ngày, tức là 2,49 năm tuổi; 3 quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng là những quận có tỷ suất tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận huyện khác trên địa bàn thành phố.
Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, và khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do hai nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội.
Bên cạnh thực trạng về gánh nặng bệnh tật, báo cáo nêu rõ những lợi ích sức khỏe nếu nồng độ bụi PM2.5 trên địa bàn Hà Nội năm 2019 được kiểm soát. địa bàn Hà Nội được kiểm soát. Cụ thể, nếu nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm 2019 tại Hà Nội được kiểm soát ở mức 25 μg/m³ (QCVN 2013), số ca tử sớm do ô nhiễm đã tránh được là 2.575 ca; Hà Nội tránh được tổng số 71.613 năm sống bị mất và kỳ vọng sống đã có thể tăng lên 812 ngày, tức là khoảng 2,22 năm tuổi.
Mặt khác, nếu nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội năm 2019 được kiểm soát ở mức 10 μg/m³ (mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới- WHO), số ca tử vong sớm do ô nhiễm đã tránh được là 4.222 ca. Như vậy, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên 3,88 năm và tránh được 123.103 năm sống bị mất.
Báo cáo kết quả nghiên cứu này nhằm củng cố các bằng chứng khoa học cho thấy tác động của ô nhiễm bụi PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng, từ đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về quản lý và cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Các hoạt động đánh giá chất lượng không khí cần được mở rộng, đồng thời các chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí cũng cần được hoạch định và triển khai kịp thời.