Nồng độ kháng nguyên SARS-CoV-2 liên quan đến mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp Annals of Internal Medicine, nồng độ kháng nguyên SARS-CoV-2 trong máu của bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện dường như tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh và các kết quả lâm sàng khác.
Nồng độ kháng nguyên SAR-CoV-2 liên quan tới tình trạng mắc COVID-19
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ và một số trường đại học ở Mỹ đã phân tích nồng độ kháng nguyên virus trong mẫu máu của 2.540 bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Họ tập trung vào những bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài 12 ngày trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2021, trước khi biến thể Omicron lây nhiễm phổ biến.
Nhóm nghiên cứu đã định lượng kháng nguyên đặc hiệu virus corona trong máu, cũng như xem xét bệnh nhân có mắc biến thể Delta hay không, đồng thời xem xét thời gian xuất viện và các triệu chứng liên quan đến phổi vào ngày thứ năm của nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối liên quan chặt chẽ giữa nồng độ kháng nguyên virus corona ≥1.000 nanogram/lít và chức năng phổi suy giảm nặng hơn tại thời điểm bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Những bệnh nhân có nồng độ kháng nguyên cao hơn cũng thường có chức năng phổi kém hơn vào ngày thứ năm, bất kể mức độ bệnh của họ tại thời điểm bắt đầu tham gia nghiên cứu ra sao. Nồng độ kháng nguyên cũng cao hơn ở những bệnh nhân có triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần.
Nồng độ trung bình kháng nguyên cao hơn 3 lần ở những bệnh nhân cần thở oxy không xâm nhập so với những người thở không khí trong phòng thông thường. Khoảng 26% bệnh nhân có nồng độ kháng nguyên ≥1.000 nanogam/lít cần thở oxy vào ngày thứ năm, so với chỉ 6% ở những người có mức kháng nguyên <1.000 nanogam/lít.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân có nồng độ kháng nguyên cao hơn cũng có thời gian nằm viện lâu hơn, cụ thể những bệnh nhân này nằm viện trung bình khoảng 7 ngày so với 4 ngày ở những người có nồng độ kháng nguyên thấp hơn. Trong số những bệnh nhân được thở máy hoặc thở oxy, khoảng 42% những người có nồng độ kháng nguyên cao được ra viện vào ngày thứ 28, so với 73% ở những người có mức kháng nguyên thấp.
Một số yếu tố nguy cơ dường như có liên quan đến nồng độ kháng nguyên, bao gồm: nam giới và người trên 65 tuổi có nhiều khả năng có nồng độ kháng nguyên cao hơn và kết quả tồi tệ hơn. Ngoài ra, những bệnh nhân bị nhiễm biến thể Delta sẽ có nồng độ kháng nguyên cao hơn so với những bệnh nhân bị nhiễm các biến thể chiếm ưu thế giai đoạn trước biến thể Delta. Những bệnh nhân đã có kháng thể kháng virus corona do tiêm chủng hoặc mắc COVID-19 trước đó thì nhiều khả năng có mức kháng nguyên thấp hơn, cũng như những người đã điều trị bằng remdesivir, một loại thuốc kháng virus được sử dụng từ 2 ngày trở lên.
Ý kiến của chuyên gia
Theo các nhà khoa học, kháng nguyên là các phân tử ngoại lai xâm nhập vào cơ thể, khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng tạo ra kháng thể để chống lại kháng nguyên, và trong bệnh COVID-19, SARS-CoV-2 cũng mang các kháng nguyên xâm nhập cơ thể con người.
Nhóm nghiên cứu cho biết nồng độ kháng nguyên cao hơn cũng đồng nghĩa với việc virus đang sinh sôi mạnh và khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Do đó, nồng độ kháng nguyên có thể được sử dụng để tiên lượng những bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn, cũng như dự đoán những bệnh nhân có khả năng đáp ứng tốt hơn với một số phương pháp điều trị.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng: "Kết quả nghiên cứu này đã cho thấy cần có phương pháp tiếp cận y học chuẩn xác đối với các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân COVID-19 điều trị nội trú, từ đó có thể sẽ giúp nhiều bệnh nhân nhập viện do nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính được hưởng lợi từ các liệu pháp kháng virus hơn".