Nồng độ... quá khích!

Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang là một hiện tượng xã hội gây bức xúc. Đây cũng là chủ đề được phản ánh với tần suất rất lớn trên báo chí và không gian mạng.

Trên thực tế, số người vi phạm nồng độ cồn bị kiểm tra, xử lý chiếm tỷ lệ rất cao trong số các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội, trong hai tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT trên địa bàn Thủ đô đã xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, với số tiền xử phạt hơn 57 tỷ đồng. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh cũng có đến hơn 14.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý hành chính, tạm giữ phương tiện...

Những con số đó chỉ là một phần nhỏ. Trên thực tế, số người lái xe sau khi đã uống rượu, bia chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.

 Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh minh họa: Qdnd.vn

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh minh họa: Qdnd.vn

Vấn đề đáng bàn ở đây là hệ quả và hệ lụy của hành vi vi phạm nồng độ cồn. Theo quy định pháp luật, người vi phạm nồng độ cồn chỉ bị xử lý hành chính (phạt tiền, tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe...). Thế nhưng trong quá trình kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, rất nhiều trường hợp người vi phạm đã biến cái sai này thành cái sai khác, từ vi phạm hành chính dẫn đến vi phạm pháp luật. Trên không gian mạng liên tục xuất hiện các thông tin, hình ảnh, clip người vi phạm nồng độ cồn trong lúc bị kiểm tra, xử lý đã có hành vi cãi vã, lăng mạ, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng...

Thế là từ một lỗi vi phạm hành chính, chỉ vì quá khích, họ đã tự biến mình thành người vi phạm pháp luật, phải chịu truy tố, xử lý hình sự. “Tiền mất tật mang” đã đành, còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với công việc, công danh, sự nghiệp, gia đình, cơ quan, tổ chức... Những hành vi đó còn tạo hình ảnh xấu về văn hóa giao thông, ảnh hưởng đến văn minh đất nước, con người Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.

Năm 2023 được Bộ Giao thông vận tải xác định là năm thực hiện an toàn giao thông với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn". Biểu hiện cao nhất của văn hóa giao thông là tinh thần thượng tôn pháp luật. Để xây dựng được hệ giá trị văn hóa về giao thông trong đời sống xã hội thì các hình thức, giải pháp đều phải đi từ văn hóa.

Năm 2023, lực lượng CSGT cả nước xác định chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt là xử lý vi phạm nồng độ cồn. Các giải pháp hành chính như phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm cần được tiến hành song song với những chiến dịch truyền thông, xây dựng, lan tỏa các hành vi văn hóa, hệ giá trị văn hóa giao thông trong đời sống xã hội.

Muốn có văn hóa giao thông, phải kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa công vụ (trước hết là thái độ văn hóa của người thực thi công vụ) và văn hóa của người tham gia giao thông (thái độ ứng xử, tinh thần tự giác, không để nồng độ cồn biến thành nồng độ... quá khích).

Khi đâu đó vẫn xuất hiện cảnh người thực thi công vụ tác phong luộm thuộm, đôi co, cãi vã với người vi phạm theo kiểu “hàng tôm hàng cá”, thậm chí là “vòi vĩnh” người vi phạm thì văn hóa công vụ cần phải được chấn chỉnh nghiêm khắc.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nong-do-qua-khich-721046