Nóng đường đua Mỹ-Trung tìm người đứng đầu WTO và sự kín tiếng bất ngờ từ Bắc Kinh
Bloomberg đăng tải, cuộc chạy đua giành vị trí đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn thường được coi là một 'chiến trường' cạnh tranh khốc liệt khác giữa Trung Quốc và Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn phàn nàn rằng các tổ chức đa phương như WTO nhận "ơn huệ" từ một số nước bên ngoài – đặc biệt là Trung Quốc, từ đó thường đưa ra các chính sách gây tổn hại tới lợi ích của nước Mỹ.
Đây cũng chính là một trong những lí do được ông Trump nhắc tới khi tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới trong tháng này.
Trong khi đó, Trung Quốc từ nhiều năm nay đã tham gia một chiến dịch mở rộng ảnh hưởng ngoại giao và đưa các cá nhân Trung Quốc vào tầng lớp lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên đoàn Viễn thông Quốc tế, Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế…
Cuộc chiến Mỹ - Trung Quốc
Những nỗ lực trên của Bắc Kinh đã vấp phải sự đối phó từ Mỹ. Gần đây nhất, Washington đã tìm cách thay thế một ứng cử viên người Trung Quốc muốn trở thành tổng giám đốc của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) bằng một ứng viên có lập trường thân phương tây hơn đến từ Singapore, là Daren Tang.
"Đó là một ưu tiên lớn đối với tôi và là sứ mệnh của tôi dẫn tới cuộc bỏ phiếu đó", Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Andrew Bremberg nói trong một cuộc phỏng vấn. "Ông Tang đã thuyết phục đánh bại ứng cử viên được Trung Quốc hậu thuẫn".
Nếu cuộc chạy đua tại WIPO là dấu hiệu cho thấy cuộc cạnh tranh tại WTO sẽ khốc liệt như thế nào, sẽ rất quan trọng khi nhìn vào những phẩm chất mà Trung Quốc và Mỹ được cho là đang tìm kiếm cho chức vụ tổng giám đốc tiếp theo của tổ chức thương mại hàng đầu thế giới.
Hồi tháng 6, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã thiết lập một bài kiểm tra 3 phần cho ứng cử viên tốt nhất có thể lãnh đạo WTO. Cụ thể, họ phải: hiểu nhu cầu cần phải có sự cải cách "cơ bản" cho WTO; thừa nhận rằng không thể quan hệ với Trung Quốc trong WTO; và không có lịch sử "bài Mỹ".
Người bên trong đấu với người bên ngoài
Vào giai đoạn đầu này của cuộc đua, có hai ứng viên đang nhận được nhiều sự chú ý nhất từ các phái đoàn thương mại tại Geneva là bà Amina Mohamed từ Kenya và bà Ngozi Okonjo-Iweala từ Nigeria.
Cả hai đều là những người phụ nữ châu Phi với uy tín chính trị cao. Nhưng đó là tất cả những gì tương đồng giữa họ.
Bà Mohamed là người thuộc nội bộ WTO. Bà từng là một đại diện thương mại trong những năm 2000; đảm nhận vị trí chủ tịch đại hội đồng - cơ quan giải quyết tranh chấp và xem xét chính sách thương mại của WTO và sau đó là điều hành hội nghị bộ trưởng WTO.
Tuy nhiên, đối với chính quyền Trump, kinh nghiệm lâu năm của bà Mohamed tại WTO lại có thể là một nhược điểm bởi vì nó đại diện cho một hệ thống trường tồn mà Washington cho rằng đã đổ vỡ và cần phải được cải cách.
Ngoài ra, bà Mohamed cũng từng tỏ thái độ không rõ ràng về vấn đề vị thế phát triển của Trung Quốc nói riêng và xung đột thương mại Mỹ-Trung nói chung. Đó có thể là một phiền toái khác cho Mỹ do Washington coi cả hai vấn đề này là những yếu tố chủ chốt trong con đường tiếp cận với những cải cách cho WTO.
Đối lập lại, bà Okonjo-Iweala chưa từng làm việc tại WTO. Nhưng theo bà, lập trường của một đến từ bên ngoài lại chính là điểm mạnh, giúp bà có được "một cái nhìn rõ ràng" trước một tổ chức đang hoạt động thiếu hiệu quả.
Bên cạnh đó, Okonjo-Iweala còn sở hữu một loạt các năng lực khác có thể được Washington "ưa thích". Nổi tiếng tiếng là một nhà cải cách trong vai trò bộ trưởng tài chính tại Nigeria, bà từng kêu gọi các quốc gia vượt qua giới hạn cuối trong đàm phán, đồng thời ủng hộ các quy định mới của WTO về trợ cấp. Đây cũng chính là điều mà Mỹ mong muốn được chứng kiến.
Một Trung Quốc "kín tiếng"
Hiện chưa thực sự rõ Bắc Kinh ủng hộ cho ứng viên nào.
Trong tháng 7, đại sứ Trung Quốc tại WTO Xiangchen Zhang nói, một trong những yếu tố quan trọng vị tổng giám đốc tiếp theo sẽ "niềm tin vững chắc của ông/bà ấy vào hệ thống thương mại đa phương với quyết tâm mạnh mẽ và năng lực phù hợp để kết nối các thành viên WTO với nhau".
"Chúng ta cần một ai đó có thể chia sẻ áp lực từ những người không tin tưởng và bước tiếp", đại sứ Zhang phát biểu trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington tổ chức.
Nếu phản ứng của Bắc Kinh có vẻ mơ hồ, thì đó cũng không phải là một điều quá lạ lẫm
Bloomberg nhận định, Trung Quốc được cho là đang cố tình giữ bí mật con bài của mình nhằm tránh tình trạng ứng cử viên họ ủng hộ lại vấp phải sự phản đối từ Mỹ. Nguyên nhân là nếu Bắc Kinh đột nhiên lên tiếng về bất kì ứng viên nào, gần như chắc chắn Mỹ sẽ tìm cách "dập tắt" khả năng chiến thắng của người đó, giống như cách chính quyền Trump đã làm trong cuộc chạy đua giành vị trí lãnh đạo của WIPO.
Cũng trong cuộc thảo luận trực tuyến, ông Zhang thừa nhận: "Vào thời điểm này tôi phải rất thận trọng bởi vì tôi muốn cả 8 ứng viên nhận được sự công bằng".