Nóng: Hai tuyến cáp quang cùng gặp sự cố, học tập, làm việc trực tuyến gặp khó

Trong khi việc sửa cáp quang AAG có thể kéo dài đến ngày 26/9 thì mới đây, cáp quang AAE-1 lại gặp sự cố khiến cả hai tuyến cáp quan trọng kết nối đi quốc tế của Việt Nam bị ảnh hưởng. Việc truy cập các ứng dụng như Gmail, YouTube, Facebook có thể gặp khó khăn.

Hai tuyến cáp quang biển đều gặp sự cố, ảnh hưởng đến học tập, làm việc trực tuyến của nhiều khách hàng.

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ mạng chia sẻ, hiện tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng đồng thời bởi 2 sự cố cáp quang biển.

Trước đó, ngày 19/7, tuyến cáp AAG xảy ra sự cố trên phân đoạn S1H (từ trạm cập bờ Vũng Tàu ra trục quốc tế) gây gián đoạn toàn bộ dịch vụ kết nối quốc tế trên tuyến cáp này. Đến ngày 20/8 đã sửa chữa xong điểm đứt này. Tuy nhiên, ngay sau đó lại phát sinh thêm lỗi khác trên phân đoạn S1B (từ Hongkong đi Singapore) vào ngày 11/8 nên chỉ khôi phục lại được dung lượng AAG đi Hongkong, dung lượng AAG Việt Nam-Singapore vẫn tiếp tục bị mất.

Đại diện nhà cung cấp mạng chia sẻ, hệ thống đã điều tàu sửa chữa, dự kiến hoàn thành vào 26/9.

Trong khi đó, ngày 4/9, tuyến cáp AAE_1 xảy ra sự cố trên phân đoạn S1H (đoạn trục giữa Cambodia và Thailand) gây gián đoạn dung lượng kết nối từ Việt Nam đi Singapore và Châu Âu trên tuyến cáp này.

Nguyên nhân sơ bộ là do lỗi dò nguồn trên tại 2 điểm khác nhau trên phân đoạn S1H (sự cố trước trên đoạn nhánh Cambodia vào ngày 26/8). Hiện tại chưa có lịch sửa chữa cụ thể. Theo đánh giá của đại diện một nhà cung cấp, sự cố trên gây ảnh hưởng khoảng 20% dung lượng kết nối Internet đi quốc tế của các nhà mạng, ảnh hưởng đến tốc độ truy cập các website quốc tế tại một số thời điểm trong ngày. Riêng các kết nối Internet trong nước vẫn diễn ra bình thường.

Đại diện các nhà cung cấp dịch vụ cho biết, trước việc hai tuyến cáp quang quan trọng đều gặp sự cố, các nhà mạng đã định tuyến lại, tối ưu lưu lượng qua các tuyến cáp biển khác như TGN-IA, APG. Tuy vậy, việc cùng lúc phát sinh sự cố bất khả kháng trên 2 tuyến cáp đã ảnh hưởng cục bộ đến chất lượng truy cập của một nhóm khách hàng.

Cáp quang AAG có tổng chiều dài 20.191 km, được khai thức từ 11/2009, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, đi qua 8 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California). Nhánh rẽ vào Việt Nam của tuyến cáp biển AAG có chiều dài 314km, với điểm cập bờ tại Vũng Tàu.

Tuyến cáp quang biển AAE-1 có chiều dài 23.000 km, mới được đưa vào khai thác tháng 7/2017, có vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong và Singapore.

AAE-1 và AAG là 2 trong 5 tuyến cáp quang biển quan trọng, chiếm phần lớn dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với các tuyến APG, IA và SMW3.

Sự cố đứt cáp quang xảy ra khi năm học mới vừa bắt đầu, nhiều địa phương triển khai học trực tuyến. Bên cạnh đó, nhu cầu làm việc trực tuyến cũng gia tăng do nhiều địa phương tiếp tục giãn cách xã hội. Vì vậy, sự cố gây ảnh hưởng không nhỏ đến học tập, công việc của nhiều người.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nong-hai-tuyen-cap-quang-cung-gap-su-co-hoc-tap-lam-viec-truc-tuyen-gap-kho-post1373615.tpo