Nóng: Khốn khổ cầu thủ V-League thất nghiệp đến tháng 2 năm sau

Chiều ngày 17-7 là hạn chót cho Hội đồng quản trị VPF thống nhất phương án bóng lăn trở lại sau Tết Nguyên đán 2022 để gửi đến các CLB, đáng chú ý nhất là 14 đội bóng chơi ở V-League bắt đầu đá vòng 13 từ ngày 12-2-2022.

Công ty VPF gấp rút gửi kế hoạch tái xuất V-League cho các CLB sau hơn hai tháng phải tạm dừng do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Rất nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến cho mọi mặt đời sống bị xáo trộn, bóng đá không ngoại lệ.

Theo đó, VPF gửi khẩn cấp phiếu lấy ý kiến về việc V-League chỉ có thể trở lại từ ngày 12-2-2022 đá vòng cuối lượt đi, sau Tết Nguyên đán, và bốn ngày sau bắt đầu giai đoạn hai. Các vòng đấu lượt về vẫn giữ thể thức cũ sân nhà – sân khách cho 14 đội bóng, với 6 đội xếp trên đá năm lượt tranh chức vô địch, 8 đội nhóm dưới cạnh tranh thoát khỏi 1,5 suất xuống hạng. Mùa giải sẽ kết thúc vào ngày 12-3-2022 là đúng một tháng cho các trận đấu còn lại.

V-League hoãn đến tháng -2022 sẽ gây nhiều thiệt hại cho CLB. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

V-League hoãn đến tháng -2022 sẽ gây nhiều thiệt hại cho CLB. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Trong khi đó, giải hạng Nhất quốc gia dự kiến hoàn tất trong năm 2021. Cụ thể, các đội sẽ trở lại thi đấu từ ngày 20-11 những trận bù vòng 7. Giai đoạn hai của giải tiếp diễn từ ngày 16-12-2021 và hoàn tất vào ngày 14-1-2022.

Cúp quốc gia 2021 đá vòng 1/8 vào ngày 17-1-2022, loạt trận tứ kết diễn ra ngày 8-2, còn các trận bán kết ngày 15-3 và chung kết ngày 18-3-2022.

Đây là những giải pháp tình thế của các nhà tổ chức giải với khoảng thời gian kéo dài vì không thể biết chắc thời điểm khống chế dịch bệnh COVID-19 khi cuộc chơi đã tạm dừng hơn hai tháng. Phương án này giúp các CLB chủ động hơn trong việc duy trì cầm chừng đội bóng tại khu huấn luyện, hoặc trả cầu thủ về địa phương chờ đến ngày hội quân tập luyện phục vụ thi đấu trở lại.

Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, các giải đấu trong hệ thống quốc gia phải tạm dừng kéo dài vì trường hợp bất khả kháng. Dĩ nhiê, các CLB sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi phải tiêu tốn kinh phí tồn tại cho một bộ máy khổng lồ. Đáng kể nhất là cầu thủ ở các đội bóng V-League bị thất nghiệp ngót nghét 8 tháng ròng rã, CLB thì mất nhiều tiền hơn cho những ngoại binh trong thời gian không ra sân.

Đội tuyển quốc gia lẫn U-23 có nhiều thời gian cho các giải quốc tế và không bận tâm cho giải trong nước. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Đội tuyển quốc gia lẫn U-23 có nhiều thời gian cho các giải quốc tế và không bận tâm cho giải trong nước. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Nhưng ở mặt tích cực khác, nếu phương án của VPF được thông qua, nghĩa là các đội tuyển Việt Nam không còn bận tâm đá giải trong nước mà chỉ tập trung tối đa cho những mặt trận quốc tế.

Vào đầu tháng 9, thầy trò Park Hang-seo sẽ khởi tranh vòng loại thứ ba World Cup 2022 và liên tục trong mỗi đầu các tháng sau đó, lần lượt đá hai trận cho đến hết 10 vòng đấu sân nhà – sân khách ở bảng B. Cuối tháng 10, đội tuyển U-23 Việt Nam chơi vòng loại U-23 châu Á tại Đài Loan và đến tháng 12, đội tuyển quốc gia nhập cuộc AFF Cup.

NGỌC ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/nong-khon-kho-cau-thu-vleague-that-nghiep-den-thang-2-nam-sau-1001454.html