Nóng lên toàn cầu: Cá hồi Alaska đang biến mất
Sự nóng lên toàn cầu đã làm thay đổi chuỗi thức ăn, ảnh hưởng tới vòng đời của cá hồi Alaska. Thiếu vắng loài cá này trên các con sông, những thổ dân đang bị đe dọa, họ buộc phải săn nhiều nai sừng tấm và tuần lộc để duy trì cuộc sống.
Alaska là một trong những nơi cung cấp cá hồi lớn và nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng khu vực lại đang thiếu vắng sự xuất hiện của loài cá mang tính biểu tượng này. Lần đầu tiên trong ký ức của những thổ dân Alaska về một năm lưới quạnh, kho tiêu điều. Cả cá hồi vua và cá hồi chum hầu như không còn gì.
Để bảo vệ loài cá này, chính quyền địa phương đã ra lệnh cấm đánh bắt cá hồi trên sông Yukon. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của các cộng đồng bản địa, những người sống phụ thuộc vào dòng sông, buộc họ phải tìm cách xoay sở bằng những cuộc đi săn nai sừng tấm và tuần lộc để có đủ lương thực dự trữ cho mùa đông.
Sông Yukon - quê hương của cá hồi Alaska, chúng thường từ đại dương trở về vào mùa sinh sản, nhưng năm nay lại hoàn toàn vắng bóng.
Đã có nhiều ý kiến phân tích lý do vì sao cá hồi ngày càng vắng bóng tại Alaska, trong đó đa phần đều thống nhất rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến dòng chảy của sông và biển Bering ấm lên, làm thay đổi chuỗi thức ăn của các loài động vật sinh sống tại đó. Nhiều người tin rằng các hoạt động đánh bắt cá thương mại nhằm vào cá hồi tự nhiên, cũng như hoạt động nuôi cá hồi trong các trại giống ở đại dương đã có những tác động vào sự nóng lên toàn cầu đối với một trong những con sông dài nhất Bắc Mỹ.
Stephanie Quinn-Davidson, Giám đốc chương trình của Quỹ đầu tư mạo hiểm Alaska về nghề cá và cộng đồng, người đã nghiên cứu các vấn đề về cá hồi trên sông Yukon, cho rằng cho dù cá hồi không bị đánh bắt cũng khó quay trở lại sông quê hương của chúng để đẻ trứng như trước vì không còn tồn tại những điều kiện cần thiết.
Cá hồi Alaska từng là biểu tượng của sự giàu có và hào phóng mà thiên nhiên dành cho con người.
Cá hồi vua, hay chinook, đã suy giảm trong hơn một thập kỷ, nhưng cá hồi chum vẫn dồi dào hơn cho đến năm ngoái. Năm nay, số lượng cá hồi chum mùa hè giảm mạnh và số lượng cá hồi chum mùa thu - đi xa hơn về phía thượng nguồn - thấp một cách đáng báo động.
Sông Yukon dài gần 2.000 dặm (3.200 km) bắt đầu từ British Columbia và chảy ra một khu vực lớn hơn Texas ở cả Canada và Alaska khi nó cắt qua các vùng đất của Athabascan, Yup'ik và các bộ lạc khác.
Cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng đến cả hoạt động đánh bắt tự cung tự cấp ở các tiền đồn xa xôi và các hoạt động chế biến cá của các bộ lạc đang sống dọc theo hạ lưu Yukon và các nhánh của nó. Họ đã yêu cầu viện trợ từ nhà nước và muốn có những giải thích của chính quyền về cuộc khủng hoảng cá hồi.
Các bộ lạc sống xung quanh khu vực sông Yukon ở Alaska săn bắt cá hồi vào mùa hè và chế biến, phơi khô để làm lương thực dự trữ cho mùa đông.
Trích dẫn sự ấm lên của đại dương, Thống đốc Đảng Cộng hòa Mỹ Mike Dunleavy đã yêu cầu tuyên bố thảm họa liên bang đối với nghề đánh bắt cá hồi trong tháng này. Chính quyền cũng đã sử dụng các chuyến bay để điều phối khoảng 41.000 kg cá đến các làng thiếu thốn.
Những túp lều để chế biến cá hồi bên bờ sông năm nay hoang lạnh...
Cuộc khủng hoảng cá hồi là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này cũng không đủ để xoa dịu sự lo lắng của người dân, nhất là tại những ngôi làng hẻo lánh, phụ thuộc vào cá hồi để vượt qua mùa đông. Khi tuyết rơi, nhiệt độ ở đấy có thể giảm xuống âm 29 độ, thậm chí thấp hơn.
Cá hồi Alaska nổi tiếng thế giới vì ngon và giàu dinh dưỡng.
Theo truyền thống, các gia đình thổ dân bản địa dành mùa hè tại các trại cá để bắt cá hồi trưởng thành khi chúng di cư từ đại dương vào đất liền để đến nơi có thể sinh sản. Cá hồi được chế biến để bảo quản theo nhiều cách khác nhau: làm khô, cắt thành phi lê đông lạnh, đóng hộp trong lọ hoặc bảo quản trong thùng gỗ với muối.
Nếu không có cá hồi, cộng đồng phải chịu áp lực rất lớn trong việc tìm kiếm các nguồn protein khác. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động giao thương nhiều khu vực, đi cùng với đó là giá thực phẩm tăng cao sẽ khiến nhiều hộ gia đình đứng trước nguy cơ không có đủ thực phẩm trong mùa đông.
Biến đổi khí hậu, dòng chảy nóng lên đã không còn là môi trường lý tưởng để cá hồi đại dương trở về "quê hương" để sinh sản.
Để bù đắp sự mất mát từ cá hồi, các ngôi làng đã cử ra các nhóm đi săn nai sừng tấm và tuần lộc.
Để bù đắp cho lượng cá hồi thiếu hụt, người dân bản địa gia tăng các cuộc săn bắt nai sừng tấm và tuần lộc để làm lương thực dự trữ.
Người dân vẫn ấp ủ chờ đợi mùa cá hồi năm tới, nhưng liệu cá hồi có quay trở lại hay không, không ai có thể biết chắc. Vì cá hồi dành thời gian ở cả sông và đại dương trong vòng đời duy nhất của chúng, nên thật khó để xác định chính xác nơi những thay đổi môi trường nhanh chóng này ảnh hưởng đến chúng nhiều nhất - nhưng ngày càng rõ ràng rằng đánh bắt quá mức không phải là thủ phạm duy nhất, Howard nói.