Nóng lên toàn cầu là mối đe dọa khẩn cấp với toàn nhân loại ngay lúc này
Sự nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát với hàng loạt thời tiết cực đoan xảy ra. Thập kỉ qua là thời kỳ nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu và các quốc gia thống nhất rằng phải hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn Trái Đất nóng lên.
Đe dọa sự sống hành tinh
Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỉ XXI do những tác động trực tiếp tới hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người.
Các nhà khoa học đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, bởi hành tinh đang nóng lên nhanh chóng và hiện tượng dị thường này hàng năm đều đạt những kỉ lục mới. Rất có thể, trong những năm tới Trái Đất sẽ phá vỡ nhiều kỉ lục lịch sử của năm 2020.
Báo cáo Hiện trạng khí hậu mới nhất do Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ vừa công bố nêu rõ, kể từ năm 1980, mỗi thập kỉ sau lại nóng hơn thập kỉ trước, trong đó thập kỉ 2010-2019 đã nóng hơn thập kỉ 2000-2009 khoảng 0,2 độ C. Nguyên nhân chính làm cho khí hậu thay đổi là lượng phát thải khí nhà kính vẫn không ngừng tăng, đã lên mức cao kỉ lục là 409,8 phần triệu thể tích. Hệ quả là 6 năm liên tiếp, kể từ 2014 đến nay, trở thành những năm nóng nhất.
Hàng loạt các vụ cháy rừng diễn ra dữ dội hơn và thời gian kéo dài hơn do nhiệt độ Trái Đất nóng lên kỉ lục.
Nhà khoa học khí hậu Daniela Jacob, Trung tâm Khí hậu Đức cho biết: “Chúng ta chưa bao giờ có hiện tượng Trái Đất nóng lên như vậy chỉ trong vài thập kỉ. Nửa độ có nghĩa là thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều và nó có thể thường xuyên hơn, dữ dội hơn hoặc thời gian kéo dài hơn".
Chỉ trong năm nay, những trận mưa xối xả đã tràn vào Trung Quốc và Tây Âu, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hàng trăm người khác thiệt mạng khi nhiệt độ ở Tây Bắc Thái Bình Dương đạt mức cao kỉ lục. Riêng Greenland ở Bắc Cực đã chứng kiến các sự kiện tan chảy lớn, cháy rừng tàn phá Địa Trung Hải và Siberia và hạn hán kỉ lục đã ảnh hưởng đến các khu vực của Brazil.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử được nhân loại ghi nhận một cách có hệ thống kể từ khi nhân loại bắt đầu ghi lại nhiệt độ từ giữa những năm 1800. Mực nước biển dâng cao kỉ lục trong vòng 8 năm liên tiếp. Các dòng sông băng tiếp tục tan chảy ở mức độ rất báo động trong năm thứ 32 liên tiếp. Ước tính 28.000 tỉ tấn băng trên thế giới đã tan chảy kể từ 3 thập kỉ trước, tốc độ tan băng mỗi năm hiện nay nhanh hơn khoảng 57% so với thời điểm đó.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chủ tịch COP26 Alok Sharma nhấn mạnh, Hội nghị là "cơ may cuối cùng và tốt nhất" để khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
“Chúng ta cần phải hành động ngay để giữ nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỉ. Chúng ta cần một thập kỉ với các mục tiêu cao hơn và hành động khẩn trương hơn. Những gì chúng ta cần đạt được tại Glasgow là có thể dõng dạc tuyên bố 'chúng ta đã giữ được mục tiêu 1,5 độ C' và kêu gọi các bên cùng nhau hành động để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu”.
Gần 100 nước cũng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan, được xem là một trong những cách tốt nhất để giảm nhanh sự nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, đã có 40 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cam kết loại bỏ điện than - chiếm khoảng 37% tổng điện năng trên thế giới trong năm 2019 - và là nhiên liệu đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng không ngoại lệ
Trao đổi với Báo VTC News, TS Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban nghiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng, biến đổi khí hậu đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu được cả thế giới quan tâm. Thế giới đang phải chứng kiến hiện tượng nhiệt độ tăng và nóng một cách khủng khiếp. Trái Đất đang nóng lên là thực tế đang diễn ra không thể chối cãi.
Thế giới chứng kiến hiện tượng nhiệt độ tăng cao và nóng một cách khủng khiếp.
Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến biến đổi khí hậu và môi trường. Tôi nói đơn cử như hậu họa ngay trước mắt là mấy năm trở lại đây hiện tượng lũ lụt rất kinh khủng. Những trận lũ lụt thì ngày xưa cũng có xảy ra, bởi nếu ta nhìn lại tất cả các số liệu thống kê đã được ghi chép trong lịch sử thì những trận lũ lụt lớn đã từng xảy ra, thế nhưng ở quy mô lớn và phức tạp như ngày nay thì không có. Vậy những thiên tai khủng khiếp này là do đâu, nếu không phải là do chính con người gây ra?
Chẳng hạn, khu vực Tây Nguyên ngày xưa là rừng mênh mông, nhiều chỗ là rừng nguyên sinh, ngay cả những năm tháng chiến tranh cũng không bị tàn phá như bây giờ. Nhưng hiện nay rừng đã bị tàn phá khủng khiếp, không thương tiếc.
“Không đâu như ở Việt Nam, tàn phá rừng, tàn phá thiên nhiên, giết động vật hoang dã mà vẫn được xem là hành động anh hùng. Bởi thế, hậu quả thiên tai mà chúng ta phải gánh hiện nay là do chính chúng ta gây ra”.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, PGS.TS Ngô Đức Thành, chuyên gia về khí hậu nhận định, biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái Đất tăng cao có những ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Theo các kết quả tính toán mới nhất, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C và 2 độ C thì thiệt hại trực tiếp lên GDP Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%, bên cạnh các thiệt hại gián tiếp khác, có thể lên tới 30% vào 2050. Nắng nóng gia tăng sẽ làm tăng tỉ lệ tử vong. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, cụ thể mực nước biển dâng là 60 cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương của Việt Nam, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL.
TS Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo đó, biến đổi khí hậu cùng với nhiệt độ Trái Đất tăng cao đang diễn ra nhanh, trực tiếp tác động mạnh đến an ninh lương thực toàn cầu do nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, tần suất các hiện tượng cực đoan. Đồng thời làm gia tăng sức ép lên hệ thống đất đai, qua đó bùng phát nguy cơ cao về hoang mạc hóa, suy thoái đất. Những đợt sóng nhiệt, tăng cường, mưa bão, hạn hán, thiên tai, ngập lụt diễn ra ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và tiếp tục hủy hoại các hệ sinh thái.
"Năm 2021 phải là năm hành động vì khí hậu - năm khởi đầu hoặc năm đột phá”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh trong buổi báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) về Tình trạng khí hậu toàn cầu 2020, trong đó nhấn mạnh việc tăng tốc các chỉ số biến đổi khí hậu và tác động ngày càng trầm trọng.
Tháng 8 vừa qua, Liên Hợp Quốc cảnh báo thế giới đang gần ở ngưỡng nguy hiểm của sự nóng lên nhanh chóng và con người phải chịu trách nhiệm do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có cả dầu mỏ và khí đốt. Báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tránh gia tăng nhiệt độ toàn cầu một cách nguy hiểm nhất, song khẳng định điều này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu ở mức độ lớn chưa từng có.