'Nóng mặt' vì nỗ lực phút chót của ông Biden, Trung Quốc muốn 'bắt tay' với ông Trump

Bắc Kinh đã có phản ứng mạnh mẽ với Washington sau khi mới dây Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden tăng cường lệnh cấm xuất khẩu chip nhắm tới Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình trong cuộc gặp tại Osaka (Nhật Bản), tháng 6/2019. (Nguồn: THX)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình trong cuộc gặp tại Osaka (Nhật Bản), tháng 6/2019. (Nguồn: THX)

Trong tuần cuối cùng tại Nhà Trắng trước khi trao quyền cho Tổng thống đắc cử đến từ đảng Cộng hòa Donald Trump vào ngày 20/1, ông Biden đã có một loạt động thái "thẳng tay" với Trung Quốc đáng chú ý: Công bố khuôn khổ quản lý mới để bảo đảm sự phổ biến có trách nhiệm của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến; yêu cầu Hà Lan tăng cường kiểm soát xuất khẩu chip, đồng thời trừng phạt 25 công ty công nghệ Trung Quốc.

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã gay gắt đáp trả khi lên tiếng chỉ trích ông Biden "không có nhận thức chiến lược đúng đắn và hành động đi đôi với lời nói". Giới truyền thông và các nhà bình luận Trung Quốc thậm chí trực tiếp gọi ông Biden là "kẻ nói dối" và "kẻ phản diện".

Tờ China Daily đăng trong bài xã luận hôm 15/1 cho rằng, việc Tổng thống Biden dành vài ngày cuối trước khi rời nhiệm sở để tăng cường đáng kể những động thái như vậy chỉ cho thấy "sự thiếu vắng đáng lo ngại về cơ chế tự điều chỉnh cho việc hoạch định chính sách của Mỹ".

Trong khi đó, theo hãng thông tấn THX, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 17/1 để thảo luận về thương mại, vấn đề Đài Loan và các vấn đề khác.

Tại cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn có điều kiện khác nhau, không thể tránh khỏi một số khác biệt. Theo ông, chìa khóa hóa giải sự khác biệt là tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau, tìm ra cách thích hợp để giải quyết vấn đề.

“Cuộc điện đàm tốt cho cả Mỹ và Trung Quốc. Tôi kỳ vọng chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề và bắt đầu ngay lập tức" ông Trump cho biết trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social. "Chúng tôi đã thảo luận về cân bằng thương mại, fentanyl, TikTok và nhiều chủ đề khác. Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để thế giới hòa bình và an toàn hơn!”, ông Trump tuyên bố.

Nỗ lực cuối cùng của ông Biden

Ngày 14/1, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố lệnh cấm xuất khẩu mới đối với chip dùng trong AI sang nhiều nước, bao gồm Trung Quốc. Động thái này đã khiến ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và thế giới "dậy sóng".

Theo lệnh cấm xuất khẩu mới nhất, Mỹ yêu cầu các công ty trong nước phải xin giấy phép xuất khẩu nếu vận chuyển chip AI cao cấp đến các quốc gia nước ngoài ngoài 18 đồng minh của Mỹ; yêu cầu các công ty không có trụ sở chính tại Mỹ hoặc các quốc gia đồng minh chặt chẽ phải xin cấp tư cách người dùng cuối đã được xác thực nếu họ muốn mua chip của Mỹ cho các trung tâm dữ liệu của mình.

Đồng thời, quy định mới cũng yêu cầu các công ty Mỹ phải xin giấy phép xuất khẩu nếu vận chuyển bất kỳ mô hình AI nguồn đóng nào đã được đào tạo thực hiện sức mạnh tính toán cấp cao (hơn 1.026 hoạt động) đến các quốc gia khác ngoài 18 đồng minh của Mỹ.

Hiện nay, các mô hình AI nguồn mở cho phép các nhà phát triển xây dựng và điều chỉnh dựa trên mã nguồn có sẵn trong khi các mô hình AI nguồn đóng, ví dụ như ChatGPT sẽ giữ bí mật mã và dữ liệu riêng.

Chính sách tạo ra hệ thống cấp phép ba cấp đối với các chip dùng trong trung tâm dữ liệu. Cấp cao nhất, bao gồm các thành viên G7 và Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan và Ireland.

Cấp thứ ba bao gồm các nước như Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên. Cấp trung gồm hơn 100 quốc gia, bị giới hạn giấy phép xuất khẩu.

Tựu trung lại, Mỹ sẽ cho phép các đồng minh thân cận nhất của mình tiếp cận không giới hạn công nghệ AI cao cấp của Washington, giới hạn số lượng chip AI có thể xuất khẩu sang hầu hết các quốc gia và cấm Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên tiếp cận công nghệ này.

"Chính sách này sẽ giúp xây dựng một hệ sinh thái công nghệ đáng tin cậy trên toàn thế giới và cho phép chúng tôi bảo vệ trước các rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến AI, đồng thời bảo đảm các biện pháp kiểm soát không kìm hãm sự đổi mới hoặc vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ", Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho hay.

Theo bà Gina Raimondo, chính sách này sẽ "giúp bảo vệ công nghệ AI tiên tiến nhất và đảm bảo công nghệ này không rơi vào tay các đối thủ nước ngoài, trong khi Mỹ tiếp tục chia sẻ rộng rãi những lợi ích với các quốc gia đối tác".

Tờ Financial Times nhận định, chính sách này nhằm khiến Trung Quốc không thể thông qua các nước khác để lách các hạn chế hiện tại để có được công nghệ dùng trong mô hình vũ khí hạt nhân đến tên lửa siêu thanh.

Động thái vào phút chót này nghiễm nhiên không được Bắc Kinh hoan nghênh. Trong cuộc họp báo ngày 16/1, bình luận về bước đi này của Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn nói: "Mỹ tiếp tục kéo dài khái niệm an ninh quốc gia, chính trị hóa, vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ, sử dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ để thực hiện", khẳng định Bắc Kinh kiên quyết phản đối.

Sidley Austin LLP, công ty luật có trụ sở tại London, cho rằng lệnh cấm chip mới nhất của Mỹ khác với các lệnh trước. Theo đó, thay đổi lớn nhất trong lệnh cấm chip nhắm vào cả các quốc gia "trung gian". Ngoài ra, Cục Công nghiệp và an ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ cũng chọn cách tiếp cận “điều chỉnh trước, thu thập ý kiến sau” đối với bản cập nhật lớn về kiểm soát xuất khẩu. Các quy định mới là sự thay đổi đáng chú ý trong việc kiểm soát số lượng đầu vào cho các mô hình AI.

"Đại gia công nghệ" châu Âu bị vạ lây

Hôm 15/1, chính phủ Hà Lan cho biết sẽ sửa đổi biện pháp kiểm soát xuất khẩu quốc gia đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến kể từ ngày 1/4 vì kể từ thời điểm đó, nhiều công nghệ sẽ phải tuân theo yêu cầu cấp phép quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển Hà Lan Reinette Klever cho biết, chính phủ nước này đã quan sát thấy rủi ro an ninh gia tăng liên quan đến việc xuất khẩu không kiểm soát thiết bị sản xuất chip.

ASML - Công ty công nghệ lớn nhất châu Âu và là nhà cung cấp thiết bị hàng đầu về sản xuất chip trên toàn cầu, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quyết định mới nhất của chính phủ Hà Lan.

"Ông lớn công nghệ" của châu Âu bị cáo buộc đóng góp vào sự phát triển của các mạch tích hợp máy tính tiên tiến (IC) thúc đẩy Trung Quốc phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến và các ứng dụng giám sát công nghệ cao; đồng thời thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân đội thông qua quá trình tích hợp nghiên cứu AI tiên tiến.

Trong số những công ty bị lọt vào tầm ngắm, Sophgo cũng bị Mỹ cáo buộc đã đặt hàng chip AI từ TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) cho Huawei.

Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài

Trung Quốc đáp trả các lệnh hạn chế của Mỹ bằng một loạt cuộc điều tra đa phương diện lên các công ty Mỹ ngay sau động thái của chính quyền Tổng thống Biden.

Bắc Kinh sắp áp dụng các hạn chế lên PVH, công ty sở hữu thương hiệu Tommy Hilfiger và Calvin Klein, vì tuân thủ luật pháp Mỹ cấm sử dụng bông từ khu vực Tân Cương.

Bộ Thương mại Trung Quốc (Mofcom) hôm 16/1 thông tin, kết quả từ các cuộc điều tra ban đầu, bắt đầu vào cuối tháng 9, cho thấy PVH Group đã tham gia vào "hành vi không phù hợp". Văn phòng của Mofcom giám sát cơ chế Danh sách thực thể không đáng tin cậy (UEL) - một danh sách tương tự danh sách thực thể của Mỹ - sẽ sớm có các cuộc thảo luận về quy định với công ty Mỹ.

Cùng ngày, bộ này cũng tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra đối với các nhà sản xuất chip của Mỹ sau khi lắng nghe những lo ngại của ngành công nghiệp chip Trung Quốc liên quan đến các khoản trợ cấp đáng kể mà chính quyền Biden cung cấp cho ngành công nghiệp chip trong nước.

Đồng thời, Trung Quốc đã xác định rằng polyformaldehyde đồng trùng hợp - một loại nhựa nhiệt dẻo kỹ thuật - nhập khẩu từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), đảo Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản đang bị bán phá giá tại Trung Quốc, gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp của nước này.

Khó có thể dự đoán những căng thẳng mới nhất giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới sẽ leo thang đến mức độ nào nhưng các nhà phân tích nhận định, cách tiếp cận "ăn miếng trả miếng này" có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tập dượt đàm phán với ông Donald Trump - người sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ và ngày 20/1 tới và cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài.

(theo Asia Times, SCMP)

Kim Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nong-mat-vi-no-luc-phut-chot-cua-ong-biden-trung-quoc-muon-bat-tay-voi-ong-trump-300704.html