Nồng nàn hương bưởi

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ít nhiều làm xáo trộn cuộc sống người dân Thủ đô. Các phố xá, cửa hàng, cửa hiệu bớt tấp nập hơn, các trường học kéo dài thêm thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học.

Mọi biện pháp quyết liệt được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể toàn thành phố tập trung triển khai nhằm phòng, chống dịch bệnh. Không gian nhiều khu phố, làng quê lan tỏa mùi hóa chất tẩy trùng. Ấy vậy nhưng “đến hẹn lại lên”, một mùa hoa bưởi vẫn âm thầm tỏa hương ngào ngạt.

Cây bưởi được trồng nhiều ở các vùng ngoại thành Hà Nội. Trong đó, bưởi Diễn, có nguồn gốc ở quận Nam Từ Liêm là một trong những giống bưởi ngon nổi tiếng được người trồng ưa chuộng. Cây không cao quá, kích thước trái vừa phải, vỏ mỏng, vị ngọt đậm, bưởi Diễn giờ đây được nhân giống trồng ở rất nhiều địa phương khác. Có trang trại trồng bưởi bạt ngàn, vừa cho thu hoạch ăn quả, vừa kết hợp ươm ghép làm cây bưởi cảnh có giá bán tới vài ba triệu đồng/cây.

Kết thúc mùa thu hoạch quả chín cũng là lúc các chủ vườn bưởi bón thúc để cây ra hoa kết trái cho vụ sau. Năm nay, tiết trời ấm áp, ít lạnh, cho nên dường như hoa bưởi nở sớm hơn thường lệ. Tháng 2, nhiều cành bưởi đã vươn mình nở hoa trắng xóa. Hoa bưởi thơm nồng nàn, da diết trong đêm tối và lúc sớm mai. Mưa xuân vấn vít đậu trên cánh hoa bưởi tinh khôi, xen lẫn những sợi nhụy vàng lấp lánh như hạt ngọc. Công dụng của hoa bưởi từ lâu được sử dụng phổ biến trong dân gian. Người ta chiết xuất tinh dầu hoa bưởi để làm bánh, làm mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp phụ nữ. Hoa bưởi cũng được dùng làm hoa cúng vì mùi thơm thanh tao.

Nhà tôi trước đây có cây bưởi sum suê ở góc vườn, mùa hoa nở rụng trắng mặt đất. Năm nào tôi cũng chứng kiến những người phụ nữ ở làng nghề làm bánh Trung thu, bánh khảo tại thôn Thọ Am, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì), rong ruổi đến nhặt hoa bưởi rụng. Họ lễ phép xin mẹ tôi cho vào vườn, cắm cúi nhặt, rồi cẩn thận nâng niu những cánh hoa mỏng manh bỏ vào bị cói. Người nhặt hoa thường lựa chọn ngày tạnh ráo để hoa bưởi còn nguyên lành, không dập nát, giữ được mùi hương thơm nức.

Không biết từ bao giờ, mùa hoa bưởi nở rộ thường đúng dịp những người lính trẻ lên đường nhập ngũ. Bao mùa tuyển quân đi qua, lần lượt các thế hệ trai tráng phơi phới thanh xuân bịn rịn chia tay những người yêu thương để lên đường thực hiện nghĩa vụ cao cả. Thời trước, không ít cô gái lãng mạn gói ghém cánh hoa bưởi tinh khiết trong những chiếc khăn mùi xoa bẽn lẽn đem tặng người yêu lên đường ra trận. Hình ảnh ấy trở thành biểu tượng cao đẹp một thời được nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khắc họa trong bài thơ “Hương thầm”. Bài thơ càng trở nên nổi tiếng khi nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thành bài hát, ý thơ càng chắp cánh bay xa, vẫn da diết vang lên đây đó.

Cuộc sống còn những bộn bề, lo toan, trăn trở, trước mắt là dịch bệnh chưa hết phức tạp, song mỗi mùa hoa nở như điểm tô cho hình ảnh đất trời tươi đẹp và cuộc sống rộn ràng niềm vui. Dù chỉ là loài hoa chân quê, mộc mạc, nhưng vẫn đủ sức quyến rũ, lay động lòng người.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43252602-nong-nan-huong-buoi.html