Nóng Nga-Ukraine 27-8: Nga không ngừng chiến, dù Ukraine từ bỏ gia nhập NATO; HIMARS chưa đe dọa Nga, nhưng sẽ khác nếu…
Nga không thể ngừng chiến, ngay cả khi Ukraine từ bỏ hy vọng gia nhập NATO; Một nước EU muốn tiếp tục mua khí đốt của Nga; Moscow sẽ cung cấp đủ khí đốt theo hợp đồng cho phương Tây nếu…
Tình hình chiến sự
. Theo hãng tin Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết quân Nga tiếp tục tập trung nỗ lực vào việc thiết lập toàn quyền kiểm soát tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine), củng cố vị trí tại các khu vực đã chiếm được ở tỉnh Kherson, một phần của các tỉnh Kharkiv, Zaporizhia và Mykolaiv (miền nam), đồng thời khôi phục khả năng chiến đấu của các đơn vị quân đội.
Cụ thể, tại Donetsk, quân Nga đã dùng xe tăng, đại bác, các hệ thống tên lửa bắn loạt (MRLS) để pháo kích các TP Bakhmut, Kramatorsk, Avdiyivka, Soledar, Sloviansk,...
Các lực lượng Moscow đã nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự tại tỉnh Sumy, theo Bộ Tổng tham mưu.
Tại miền nam, quân Moscow liên tục pháo kích các tỉnh Kharkiv, Zaporizhia, Mykolaiv,... khiến nhiều cơ sở hạ tầng trong khu vực bị phá hủy.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn "rất rủi ro" dù 2 trong số 6 lò phản ứng của họ được nối lại với lưới điện đất nước.
Người đứng đầu hội đồng tỉnh Dnipropetrovsk - ông Mykola Lukashuk cho biết tỉnh này liên tục bị Nga tấn công. Đặc biệt, quân đội Nga đã bắn hai tên lửa Kh-22 vào khu dân cư Pokrovske ở tỉnh này.
. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết các nỗ lực của quân Nga đều không thành công. Các đơn vị pháo phản lực và pháo binh Ukraine tiếp tục khai hỏa vào các vị trí của quân Moscow, gây thương vong cho Moscow khi cận chiến.
. Theo Bộ này, quân Ukraine đã tiêu diệt được khoảng 46.250 lính Moscow kể từ đầu chiến sự. Tổng thiệt hại chiến đấu của Moscow bao gồm 1.936 xe tăng, 4.251 xe bọc thép, 1.040 hệ thống pháo, 272 hệ thống tên lửa phóng loạt, 834 máy bay không người lái, 99 đơn vị thiết bị đặc biệt, cùng nhiều khí tài khác.
. Theo hãng thông tấn TASS, ông Mikhail Mizintsev - Giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga - cho biết quân Ukraine đã biến 2 trường học ở Donetsk và 1 trường học ở Kharkiv thành căn cứ quân sự và kho đạn, trong khi dân thường chưa được sơ tán khỏi khu vực.
. Ông Mizintsev nói thêm rằng các lực lượng Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa bắn loạt cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp bắn phá một bệnh viện ở TP Stakhanov (tỉnh Luhansk), khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 7 người bị thương.
. Trong ngày 16-8, Nga đã sơ tán hơn 24.000 người, bao gồm hơn 3.000 trẻ em, khỏi các khu vực nguy hiểm ở Ukraine, và các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass đến Nga mà không có sự tham gia của chính quyền Kiev. Các chuyên gia xử lý bom mìn của Nga đã rà phá bom mìn trên hơn 20.400 ha lãnh thổ Donetsk và Luhansk, theo TASS.
Một nước EU muốn tiếp tục mua khí đốt của Nga
Trong buổi phỏng vấn với đài Nova TV, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria - ông Rosen Hristov cho biết nước này đang xem xét tổ chức các cuộc đàm phán với tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) về việc nối lại nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Moscow.
“Vẫn chưa có cuộc đàm phán tích cực nào với Gazprom, nhưng chúng tôi đã đưa ra dấu hiệu rằng chúng tôi muốn bắt đầu đàm phán, hay đúng hơn là tiếp tục thảo luận để làm rõ một số điều khoản trong hợp đồng. Chúng tôi chỉ đơn giản gửi thông tin rằng chúng tôi đã sẵn sàng đàm phán và yêu cầu họ nối lại liên lạc” - ông nói.
Vị bộ trưởng nêu rõ Sofia mong đợi phản hồi từ nhà cung cấp Nga vào ngày 26-8 hoặc muộn nhất là ngày 29-8. “Chúng ta chỉ đang nói về hợp đồng cũ, chúng tôi sẽ không tái ký hoặc đàm phán hợp đồng mới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Hristov, Sofia đang tìm cách gia hạn thời hạn cung cấp khối lượng khí đốt còn lại theo hợp đồng đến năm 2023.
Vào tháng 4, Bulgaria đã từ chối phương thức thanh toán bằng đồng rúp do Nga đưa ra để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, điều này khiến Gazprom phải tạm dừng cung cấp nhiên liệu cho đối tác Bulgargaz (công ty năng lượng của Bulgaria).
Ở một diễn biến liên quan, trong cuộc phỏng vấn với đài LCI, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Moscow sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu với khối lượng như đã ký kết trong hợp đồng nếu phương Tây không áp đặt các hạn chế.
“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp khí đốt với khối lượng đã được ký hợp đồng ngay bây giờ. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ phụ thuộc vào lập trường của phương Tây. Nếu chúng tôi tiếp tục bị gây áp lực, nếu việc thanh toán bị cấm, việc giao các tuabin đã bảo dưỡng hoặc triển khai đường ống NORD STREAM 2 bị từ chối, thì nguồn cung có thể sẽ không đạt được khối lượng như các nước phương Tây mong đợi" - ông nói.
Nga không thể ngừng chiến, ngay cả khi Ukraine từ bỏ hy vọng gia nhập NATO
Trong cuộc phỏng vấn với LCI ngày 26-8, ông Medvedev cho biết Moscow sẽ không dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine ngay cả khi Kiev chính thức từ bỏ nguyện vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cũng cho biết việc đàm phán với Ukraine sẽ phụ thuộc vào “cách các sự kiện diễn ra”.
Trước khi phát động chiến dịch hồi tháng 2, Nga đã tuyên bố rõ ràng việc Ukraine trở thành thành viên NATO là không thể chấp nhận được đối với Moscow. “Việc Ukraine từ bỏ sự tham gia vào NATO giờ là điều quan trọng, nhưng nó không đủ để thiết lập hòa bình” - ông nói.
Ông nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục chiến dịch cho đến khi đạt được các mục tiêu. Nhà lãnh đạo Nga từng nói rằng mục tiêu của Moscow là “phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa” Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, ông cũng cho biết vũ khí Mỹ đã cung cấp cho Ukraine - như HIMARS - hiện chưa gây ra mối đe dọa đáng kể. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu vũ khí của Mỹ gửi tới có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn.
Đức áp đặt giới hạn cung cấp vũ khí cho Ukraine
Tối 25-8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ tuân thủ chính sách không cung cấp vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Nga cho Ukraine, đài RT đưa tin.
Mục tiêu của Berlin trong việc gửi vũ khí là để "hỗ trợ Ukraine" và "ngăn chặn sự leo thang của cuộc chiến thành một điều gì đó rất khác”, thủ tướng nói. Ông cũng đảm bảo rằng chính phủ của ông có đủ "sự thận trọng, rõ ràng và quyết tâm" để đi đúng hướng.
Trước đó, trao đổi với kênh truyền hình ZDF, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc gửi vũ khí cho Ukraine, thừa nhận rằng Berlin đã sử dụng quá mức khả năng cho việc này, dẫn đến "thâm hụt lớn trong kho vũ khí".
Theo RT, lập trường của Mỹ về việc không trao cho Ukraine các công cụ để tấn công Nga rất phức tạp do Moscow và Washington bất đồng về những gì cấu thành nên lãnh thổ Nga. Các quan chức Mỹ cho biết Kiev có mọi quyền để tấn công các mục tiêu ở Crimea, khu vực trước đây của Ukraine và bị Nga sáp nhập hồi 2014.
Về số vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine, Quyền Tổng thanh tra của Lầu Năm Góc Sean O'Donnell nói với tờ Bloomberg rằng hệ thống giám sát của Ukraine đối với vũ khí do phương Tây cung cấp thiếu "tính xác thực".
Văn phòng của ông O'Donnell sẽ xem xét các lô hàng vũ khí để đảm bảo rằng chúng không bị chuyển hướng sang thị trường chợ đen. Nhiều cơ quan thực thi pháp luật châu Âu và quốc tế đã lên tiếng lo ngại về những rủi ro như vậy, sau bằng chứng cho thấy ít nhất một số vũ khí phương Tây đã rơi vào tay những kẻ buôn lậu súng.