Nóng Nga-Ukraine chiều 19-5: Ukraine nhắc khéo vụ chìm soái hạm Moskva; Mỹ nói không có thẩm quyền thu giữ tài sản Nga

Ukraine nhắc khéo vụ chìm soái hạm Moskva để đáp trả phát ngôn của Nga; Mỹ nói không có thẩm quyền để thu giữ tài sản Nga; Thêm một nước NATO muốn ngăn Phần Lan, Thụy Điển gia nhập khối...

Chiều 19-5, Ukraine nhắc khéo vụ soái hạm Moskva bị chìm để đáp trả việc Nga nói nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (của Ukraine) sẽ "làm việc" cho Moscow.

Ukraine lên tiếng vụ Nga nói nhà máy Zaporizhia "sẽ làm việc" cho Nga

Theo hãng thông tấn Ukrinform ngày 19-5, nhà điều hành năng lượng Ukrenergo của Ukraine đã nhắc lại vụ chìm soái hạm Moskva để đáp lại việc Nga nói rằng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (của Ukraine) sẽ "làm việc" cho Moscow.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: ENERGOATOM

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: ENERGOATOM

Tuyên bố nhấn mạnh rằng Zaporizhia "nằm trong lưới điện Ukraine, dưới sự kiểm soát của các chuyên gia Ukraine" và hệ thống điện của Ukraine hiện không có bất kỳ kết nối gì với Nga.

Theo phía Ukraine, lưới điện từ nhà máy không có kết nối với Nga và Belarus. Chính vì thế, việc Nga nói sẽ cung cấp điện ra bên ngoài gần như là bất khả thi.

"Nếu các quan chức Nga hứa cung cấp điện, họ chỉ có thể cung cấp cho tàu tuần dương Moskva" - Ukrenergo tuyên bố, ám chỉ việc Nga từng nói tàu Moskva "bị mất điện và khả năng di chuyển hạn chế" sau khi con tàu bị chìm ở Biển Đen.

Zaporizhia của Ukraine là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, kể từ tháng 3, Nga đã giành được quyền kiểm soát Zaporizhia và nói Ukraine có thể cân nhắc mua điện từ nhà máy này.

Mỹ nói không có thẩm quyền để thu giữ tài sản Nga

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Washington không có thẩm quyền để thu giữ tài sản của ngân hàng trung ương Nga vốn bị đóng băng sau các lệnh trừng phạt, theo hãng tin Al Jazeera.

Một số quan chức châu Âu ra chủ trương Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các đồng minh thu giữ khoảng 300 tỉ USD ngoại tệ của ngân hàng trung ương Nga, và dùng khoản tiền này để chi cho các dự án tái thiết Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP

“Tôi nghĩ rằng với sự tàn phá lớn ở Ukraine và chi phí xây dựng lại khổng lồ mà họ sẽ phải đối mặt, việc chúng tôi yêu cầu Nga chi trả ít nhất một phần thiệt hại là một lẽ tự nhiên” - bà Yellen nói với các phóng viên ở Đức trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính nhóm G7.

"Trong khi chúng tôi đang bắt đầu xem xét vấn đề này, thì ở Mỹ, việc chính phủ thu giữ những tài sản đó là không hợp pháp" - bà nói.

WFP kêu gọi ông Putin mở cửa các cảng ở Ukraine

Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên Hợp Quốc - ông David Beasley đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở các cảng của Ukraine để hàng hóa xuất khẩu có thể đến được các "nước nghèo nhất", theo Al Jazeera.

“Việc mở các cảng này là điều hoàn toàn cần thiết vì đây không chỉ là vì Ukraine. Đây là câu chuyện về những người nghèo nhất trong số những người nghèo trên toàn thế giới, những người đang trên bờ vực của nạn đói" - ông Beasley nói tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc về an ninh lương thực toàn cầu.

Ông Zelensky nói Nga đã bắn 2.000 tên lửa vào Ukraine

Ngày 19-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã bắn hơn 2.000 tên lửa trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Al Jazeera.

Ông cho biết phần lớn tên lửa đã bắn trúng cơ sở hạ tầng dân sự và không mang lại lợi ích quân sự chiến lược nào. Ngày 18-5m tên lửa của Nga đã bắn trúng các TP Mykolaiv và Dnipro của Ukraine, ông Zelensky nói trong bài phát biểu hàng đêm.

Phần Lan nói về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở lãnh thổ mình

Theo đài RT ngày 19-5, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không đồng nghĩa với việc họ có nghĩa vụ triển khai căn cứ quân sự hoặc vũ khí hạt nhân của NATO.

Khi được hỏi liệu Phần Lan có loại trừ việc triển khai các căn cứ NATO hoặc vũ khí hạt nhân trên đất của mình sau khi gia nhập NATO hay không, bà nói: “Không ai có thể đưa vũ khí hạt nhân hoặc các căn cứ vào lãnh thổ chúng tôi nếu chúng tôi không muốn".

Bà lưu ý thêm rằng trong cả hai trường hợp, quyết định sẽ phụ thuộc vào Phần Lan.

“Phần Lan có luật cấm triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề này không được xem xét. Không có lợi ích gì để triển khai vũ khí hạt nhân hoặc mở căn cứ ở Phần Lan" - bà nói.

Thêm một nước muốn ngăn Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Theo RT, ngày 18-5, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cho biết ông có kế hoạch chỉ thị đại sứ Mario Nobilo - đại diện thường trực của nước này tại NATO ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh.

Giải thích vấn đề này, ông Milanovic nói rằng việc từ chối cho hai nước Bắc Âu gia nhập NATO sẽ chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế sang các vấn đề mà cộng đồng người Croatia đang đối mặt ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina.

Tổng thống Croatia Zoran Milanovic. Ảnh: AP

Tổng thống Croatia Zoran Milanovic. Ảnh: AP

Ông Milanovic nghĩ rằng bằng việc phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy một cách đấu tranh vì lợi ích quốc gia.

Ông Milanovic nói với RT: "Tôi từng nói rằng người Croatia ở Bosnia đối với tôi quan trọng hơn toàn bộ vấn đề biên giới Nga - Phần Lan".

Croatia cho rằng, cần phải cập nhật luật bầu cử để người Croatia ở Bosnia-Herzegovina có thể bầu ra đại diện của chính họ, . Croatia đang muốn thúc đẩy Bosnia-Herzegovina sửa đổi luật bầu cử này.

Croatia cho rằng luật bầu cử ở Bosnia-Herzegovina cần được cập nhật để người Croatia tại đây có thể bầu ra đại diện của chính họ. Theo thông lệ hiện tại, các đại diện này được cộng đồng người Hồi giáo Bosnia (hay Bosniaks) bầu ra.

KHÁNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nong-nga-ukraine-chieu-19-5-ukraine-nhac-kheo-vu-chim-soai-ham-moskva-my-noi-khong-co-tham-quyen-thu-giu-tai-san-nga-post680799.html