Nóng Nga-Ukraine chiều 27-5: Ông Lavrov nói phương Tây tuyên bố 'chiến tranh tổng lực' chống lại Nga
Theo Ngoại trưởng Sergey Lavrov, các nước phương Tây đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh tổng lực chống lại Nga khi tăng gấp nhiều lần nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn Moscow.
Tình hình tại Ukraine
. Hãng thông tấn TASS ngày 27-5 dẫn thông báo từ lực lượng ly khai Donetsk (DPR) cho biết họ đã giành được toàn quyền kiểm soát thị trấn Krasny Liman ở TP Kramatorsk, phía bắc Ukraine.
"Kể từ ngày 27-5, các lực lượng ở Donetsk và Luhansk (LPR), cùng sự hỗ trợ từ hỏa lực của quân đội Nga, đã giải phóng và thiết lập toàn quyền kiểm soát 220 khu vực dân cư trên lãnh thổ Donetsk, bao gồm thị trấn Krasny Liman" - DPR thông báo trên kênh Telegram của họ.
. Hãng thông tấn Ukraine Ukrinform dẫn thông tin từ lực lượng vũ trang Ukraine cho biết tính từ ngày 24-2 đến đầu ngày 27-5, quân đội nước này đã loại khỏi vòng chiến khoảng 29.750 binh sĩ Nga.
“Các lực lượng phòng thủ Ukraine đã phá hủy 1.322 xe tăng địch, 3.246 xe chiến đấu bọc thép, 623 hệ thống pháo, 201 pháo phản lực phóng loạt, 93 hệ thống phòng không, 206 máy bay chiến đấu, 170 trực thăng, 503 máy bay không người lái, 115 tên lửa hành trình, 13 tàu, 2.226 phương tiện quân sự và thùng nhiên liệu, 48 thiết bị đặc biệt của Nga” - Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết tổng cộng 241 trẻ em đã thiệt mạng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine
"Tính đến sáng 27-5, hơn 679 trẻ em ở Ukraine đã bị ảnh hưởng do hậu quả của cuộc chiến. Theo thông tin chính thức từ các công tố viên, có 241 trẻ em đã thiệt mạng và hơn 438 trẻ em khác bị thương” - Văn phòng Tổng công tố Ukraine thông báo trên Telegram.
Hiện tất cả các số liệu này đều chưa được xác thực.
Ngoại trưởng Nga: Phương Tây tuyên bố “chiến tranh tổng lực” đối đầu Nga
. Trong cuộc họp với các quan chức chính quyền hôm 27-5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng các nước phương Tây đang muốn bắt đầu một cuộc “chiến tranh tổng lực” với Nga khi có những động thái đối đầu với Moscow, theo TASS.
“Các quốc gia phương Tây đang tăng gấp đôi, gấp ba và gấp bốn lần nỗ lực của họ để ngăn chặn chúng ta. Họ sử dụng một loạt các công cụ, từ các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương đến những thông tin tuyên truyền sai trái trên các phương tiện truyền thông toàn cầu” - ông Lavrov nói.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, toàn thể đất nước Nga sẽ luôn ủng hộ quyết định của chính phủ để đối mặt thách thức này.
Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý rằng cuộc khủng hoảng hiện tại đã phơi bày bản chất thực sự của những lời hứa của phương Tây với Nga cách đây 30 năm, sau khi Liên Xô sụp đổ.
“Giờ đây, chúng ta đã thấy giá trị thật sự của tất cả những lời hứa về các giá trị phổ quát và mong ước biến châu Âu thành một ngôi nhà chung ở khu vực Đại Tây Dương-Thái Bình Dương" - ông Lavrov cho hay.
. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với đài RT, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng các nhà lãnh đạo phương Tây tin rằng mình là người đặc biệt và những hành động của họ bị thúc đẩy trước những ảo tưởng về nỗi sợ hãi phi lý.
“Chúng tôi biết rằng những người bạn phương Tây của chúng tôi có nhiều nỗi ám ảnh, nhiều mặc cảm. Họ có một niềm tin rằng họ không thể gặp sai lầm, và tôi tin rằng họ cũng có một số chứng hoang tưởng khác nữa” - ông Lavrov nói.
“Bất kỳ vấn đề nào xảy ra trên trường quốc tế mà không bao gồm phương Tây, mà họ không kiểm soát thì họ sẽ coi là đối lập, là thách thức đối với sự thống trị của họ” - ông giải thích thêm.
Động thái của các bên:
. Cuối ngày 26-5, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nêu rõ sự cần thiết của việc thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến khu vực miền Nam với nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới phía nam của nước này giáp với Ukraine, TASS đưa tin.
"Một mặt trận mới đã được mở ra và chúng ta không thể không chú ý tới nó. Ngay cả trước khi Bộ Tư lệnh Tác chiến khu vực miền Nam được chính thức thành lập, chúng ta phải có trách nhiệm củng cố việc phòng thủ khu vực biên giới phía nam một cách nhanh chóng. Nhiệm vụ đó phải được tiến hành ngay hôm nay" - Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng Belarus.
Ông Lukashenko cũng yêu cầu "quân đội, các lực lượng đặc nhiệm và các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn cần phải được luân phiên điều động đến biên giới phía nam để phối hợp phòng ngự với lực lượng biên phòng".
. Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho biết EU (Liên minh châu Âu) đã đình chỉ các cuộc gặp gỡ và chia sẻ dữ liệu giữa hai bên trong khuôn khổ Trung tâm Giám sát ma túy và nghiện ma túy châu Âu (EMCDDA).
"EU đã đơn phương chấm dứt các cuộc gặp giữa các chuyên gia cũng như chấm dứt việc chia sẻ dữ liệu với Nga trong khuôn khổ EMCDDA. Hội nghị chống ma túy hằng năm của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đã bị hoãn vô thời hạn” - ông Syromolotov nói.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, có vẻ như các nước thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) sau khi “vội vàng rút khỏi Afghanistan” đang cố gắng “thoái thác trách nhiệm của mình về cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy ở nước này và chuyển nó sang các nước khác”.
“Moscow tin rằng động thái này của EU sẽ tạo điều kiện cho những kẻ buôn bán ma túy lợi dụng sự bất đồng giữa các quốc gia để gia tăng nguồn cung cấp ma túy bất hợp pháp sang châu Âu" - ông Syromolotov nhận định.
. Đài CNN dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng hôm 27-5 cho biết chính quyền Mỹ dự kiến sẽ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine vào tuần tới, trong đó có thể bao gồm các hệ thống tên lửa nhiều lần phóng (MLRS).
Theo báo cáo, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị gửi "các hệ thống tên lửa tầm xa, tiên tiến" đến nước này vào đầu tuần tới sau nhiều tuần thảo luận về việc có nên "gửi MLRS cho Kiev hay không", trong bối cảnh lo ngại rằng quân đội Ukraine "có thể sử dụng các hệ thống này để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào bên trong nước Nga".
. Ukrinform ngày 27-5 dẫn lời bà Yulia Svyrydenko - Phó Thủ tướng thứ nhất, đồng thời là Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine - cho biết Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ công cuộc tái thiết quốc gia này sau khi cuộc chiến với Nga kết thúc.
"Hàn Quốc cho biết họ có thể đóng góp vào việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Đặc biệt là xây dựng lại những cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy. Ukraine cũng có thể áp dụng kinh nghiệm hiện đại hóa công nghiệp của Hàn Quốc, điều này cực kỳ phù hợp với chúng ta. Tôi đã thảo luận về những chủ đề này với bà Na Kyung-won, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc” - bà Svyrydenko cho hay.