'Nóng' ngày 28/8: Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố và bắt tạm giam; Việt Nam thêm 2 ca mắc COVID-19

Khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung về hành vi 'Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước'; Chiều 28/8, Việt Nam thêm 2 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 ca ở Hà Nội; TP Hồ Chí Minh có hai bệnh viện không đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19... là những thông tin được bạn đọc quan tâm trong ngày 28/8.

Khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung

Ngày 28/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (sinh ngày 3/8/1967; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; trú tại số 88 Trung Liệt, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh TTXVN.

Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh TTXVN.

Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, đang làm rõ hành vi sai phạm của bị can để xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, đã khởi tố 3 bị can: Nguyễn Anh Ngọc, sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Hoàng Trung, sinh năm 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Phạm Quang Dũng, sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bị tạm đình chỉ công tác để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan đến 2 vụ án khác.

Thứ nhất, vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Thứ hai là vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại thành phố Hà Nội.

Việt Nam thêm 2 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 ca ở Hà Nội

Bộ Y tế cho biết, tính đến 18 giờ ngày 28/8, Việt Nam có thêm 2 ca mắc mới COVID-19, trong đó Hà Nội ghi nhận thêm 1 ca nhập cảnh; nâng tổng số người mắc bệnh của Việt Nam lên 1.038 ca.

Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư (Ninh Bình) trao giấy ra viện và giấy tờ tùy thân cho bệnh nhân được chữa khỏi bệnh COVID-19. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư (Ninh Bình) trao giấy ra viện và giấy tờ tùy thân cho bệnh nhân được chữa khỏi bệnh COVID-19. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Ca bệnh 1037 (BN1037): Nữ, 29 tuổi, An Hải, Bắc Sơn Trà, Đà Nẵng, tiếp xúc với BN1036, kết quả xét nghiệm ngày 27/8/2020 dương tính với SARS-CoV-2. Ca bệnh 1038 (BN1038): Nam, 23 tuổi, tạm trú tại Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội, quê quán tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 11/8/2020 từ Nga về sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được chuyển đi cách ly tập trung tại tỉnh Hải Dương ngay sau khi nhập cảnh.

Trong thời gian cách ly ở cùng phòng với BN1034. Ngày 25/8/2020 sau khi hết thời gian cách ly, bệnh nhân đã về nhà trọ tại Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm đã lấy mẫu xét nghiệm và đưa vào cách ly tại trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, quận Nam Từ Liêm. Kết quả xét nghiệm ngày 27/8/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 28/8, Việt Nam đã có tổng cộng 1.038 ca mắc COVID-19; trong đó có 689 ca mắc do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 549 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 69.485 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.466 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 18.200 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 49.819 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 28/8, có thêm 26 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 20 bệnh nhân tại Trung tâm y tế Hòa Vang là BN765, BN500, BN576, BN583, BN612, BN630, BN632, BN634, BN663, BN705, BN731, BN740, BN780, BN782, BN824, BN851, BN952, BN1001, BN1008, BN1011; 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là BN458, BN829, BN93; BN510 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh; BN514 tại Trung tâm Y tế Huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) và BN389 tại Trung tâm Y tế Huyện Hoa Lư (Ninh Bình).

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1. 46 ca đã âm tính lần 2 là 48 ca và âm tính lần 3 là 29 ca. Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong là 30 ca và số ca điều trị khỏi là 663 ca.

TP Hồ Chí Minh có hai bệnh viện không đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19

Ngày 28/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố danh sách các bệnh viện an toàn và bệnh viện không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Nhân viên y tế Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) phổ biến quy định phòng dịch COVID-19 cho bệnh nhân lớn tuổi. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN.

Nhân viên y tế Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) phổ biến quy định phòng dịch COVID-19 cho bệnh nhân lớn tuổi. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN.

Đây là kết quả được đưa ra sau khi Đoàn kiểm tra, giám sát của Sở đánh giá công tác triển khai hoạt động phòng, chống dịch tại một số bệnh viện với mục tiêu để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại.

Theo đó, đến ngày 28/8/2020, có 28 bệnh viện trực thuộc Sở được đánh giá và kiểm tra, trong đó 20 bệnh viện được đánh giá là bệnh viện an toàn; 6 bệnh viện an toàn thấp là: Bệnh viện Quận 10, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện quận Phú Nhuận, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quận 9 và Bệnh viện Tai mũi họng Sài Gòn. Đặc biệt, có 2 bệnh viện không an toàn với mức điểm an toàn rất thấp, chỉ đạt 48-53% các tiêu chí an toàn là Bệnh viện quận Gò Vấp và Bệnh viện STO Phương Đông. Với những bệnh viện có mức an toàn thấp và không đảm bảo an toàn, Sở Y tế sẽ tiếp tục đánh giá lần thứ 2 sau khi đoàn kiểm tra góp ý và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở để người dân được biết.

Trước đó, ngày 12/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động phòng, chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại.

Thành viên Đoàn kiểm tra của Sở Y tế bao gồm các chuyên gia về chuyên khoa nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý nhà nước về công tác khám, chữa bệnh. Đoàn kiểm tra chia làm 3 tổ tiến hành đánh giá mức độ an toàn của bệnh viện dựa vào “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” do Bộ Y tế ban hành và kiểm tra, hướng dẫn thực hiện “Khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại” (phiên bản 3.0) do Sở Y tế ban hành.

Do đây là lần đầu tiên các bệnh viện được đánh giá theo 37 tiêu chí bệnh viện an toàn vừa được Bộ Y tế ban hành nên Đoàn kiểm tra quyết định sẽ đánh giá lại lần hai sau 1 tuần đối với tất cả bệnh viện còn ở mức không an toàn trong lần đánh giá thứ nhất. Đây là thời gian cần thiết để các bệnh viện rà soát và khẩn trương bổ sung những tiêu chí còn thiếu trong bộ tiêu chí.

V.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nong-ngay-288-ong-nguyen-duc-chung-bi-khoi-to-va-bat-tam-giam-viet-nam-them-2-ca-mac-covid19-20200828214711653.htm