'Nóng' nghị trường Quốc hội chuyện cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Chiều 26/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Cấm hay không cấm?
Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đó là quy định việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
Phương án 1 đó là giữ quy định như dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Nêu lý do đưa ra phương án này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Phương án 2, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu lý do đề xuất phương án này dựa trên nhu cầu thực tế của cuộc sống, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để hạn chế tiêu cực phát sinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.
Nhiều quan điểm trái chiều
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng, lý lẽ cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đều khá thuyết phục. Đại biểu Hải bày tỏ băn khoăn, mặc dù đưa ra 2 phương án nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không đưa ra quan điểm nghiêng về phương án nào.
Bày tỏ ủng hộ phương án không cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, đại biểu Mai Hồng Hải nhấn mạnh về hai nhóm giải pháp. Cụ thể, giải pháp thứ nhất là rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định để phát huy hiệu lực các biện pháp xử lý nợ khác. Thứ hai, tăng cường đảm bảo hiệu lực quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Trái với quan điểm trên, đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) đề nghị không cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì đóng góp của ngành nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội mà nó mang lại, đặc biệt sau những vụ việc nhà nước phải khắc phục hậu quả.
“Thời gian qua, mặc dù có quy định dịch vụ kinh doanh thu hồi nợ song nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành những băng nhóm “xã hội đen” nhằm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, gây mất trật tự an toàn xã hội dẫn tới nhiều hệ lụy, thậm chí đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng và thúc đẩy nhiều loại tội phạm phát triển”, đại biểu Hiệp phân tích.