Nông nghiệp Bắc Quang bền vững từ tái cơ cấu
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngành Nông nghiệp (NN) huyện Bắc Quang đã điều chỉnh toàn diện về cơ cấu phát triển, tổ chức; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm NN trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành NN.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu (TCC) ngành NN tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020 của UBND tỉnh, huyện Bắc Quang đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với Đề án thôn Tự chủ - Tự quản. Đề án TCC ngành NN huyện Bắc Quang, do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. Từ điều kiện thực tế và thế mạnh của địa phương, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành 3 nghị quyết về phát triển sản phẩm chủ lực gắn với thực hiện Đề án TCC ngành NN của huyện. Đó là Nghị quyết số 06, 07, 11 về: Phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu và rừng sản xuất ở các xã vùng Đông sông Lô; phát triển sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực có thế mạnh của huyện và phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm. Cùng với đó, UBND huyện ban hành hơn 50 kế hoạch, chương trình, đề án, phương án để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong TCC ngành NN theo từng năm. Trong đó, chú trọng phát triển cây trồng thế mạnh (cây ăn quả có múi, chè) theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; sản xuất rau an toàn, rau công nghệ cao; nâng cao chất lượng trang trại, gia trại gắn với phòng, chống dịch bệnh động vật; đưa ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất NN; nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản và giảm tổn thất sau thu hoạch...
Trên cơ sở các kế hoạch ban hành, UBND huyện chỉ đạo 23/23 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Cùng với đó, đơn vị hữu quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện TCC ngành NN; tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất NN hàng hóa. Với sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ngành NN huyện Bắc Quang từng bước TCC, khắc phục hạn chế trước đó là sản xuất dàn trải theo chiều rộng, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu; chưa gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm hay tổ chức sản xuất trong NN, nông thôn còn nhiều bất cập…
Theo đó, sản xuất NN trên địa bàn huyện chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác đạt 70,3 triệu đồng (tăng 8,15 triệu đồng/ha so với năm 2016). Riêng lĩnh vực chăn nuôi có chuyển biến rõ nét, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Minh chứng cho thấy, tỷ trọng chăn nuôi toàn huyện tăng 5,3% so với năm 2016 để đạt mốc 33%, góp phần đưa giá trị ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất NN. Điển hình có mô hình thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu mang lại kết quả khả quan: Đã có gần 800 trâu thụ tinh nhân tạo thành công, trọng lượng trâu sơ sinh to hơn phương pháp thụ tinh thông thường từ 15 – 20%, tạo tiền đề quan trọng để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Bên cạnh đó, với hơn 9.300 máy NN đã đưa tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất trong các khâu đạt 53,5%, tăng 5,3% so với năm 2016; góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất, gia tăng giá trị sản xuất NN của huyện.
Một trong những nội dung quan trọng thực hiện TCC ngành NN được huyện Bắc Quang quan tâm chính là tổ chức lại sản xuất cho nông dân, thông qua thành lập hợp tác xã (HTX). Với 51 HTX thuộc lĩnh vực NN trên địa bàn huyện đã, đang góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ cộng đồng trong khu vực nông thôn; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất để tạo động lực, đột phá phát triển KT-XH. Đặc biệt hơn, Bắc Quang còn đẩy mạnh thu hút, liên kết với 11 doanh nghiệp (gồm 7 doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và 4 doanh nghiệp ngoài tỉnh) trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hiện, toàn huyện đã có trên 10.000 ha cây lâm nghiệp, hơn 200 ha dược liệu có liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và hộ dân. Điều này không chỉ giúp nông dân ổn định sản xuất mà còn nâng cao nhận thức của họ, từ ý thức sản xuất tự cung, tự cấp, phục vụ tại chỗ sang hình thành các tổ chức sản xuất với sản phẩm chủ lực thành hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Đi liền với công tác tổ chức lại sản xuất cho nông dân, việc phát triển nguồn nhân lực, tổ chức dạy nghề NN và khu vực nông thôn của huyện đạt kết quả quan trọng. Đa phần lao động học nghề sau khi được đào tạo và chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nông, lâm nghiệp, chăn nuôi đã tích cực áp dụng kiến thức vào thực tế theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm chi phí sản xuất, sức lao động, gia tăng giá trị hàng nông sản. Việc học nghề bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho người dân với thu nhập bình quân 2,3 triệu đồng/người/tháng.
Qua TCC ngành NN đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 của huyện (theo giá hiện hành) đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 916 tỷ đồng so với năm 2016. Kế thừa những kết quả trên, ngành NN huyện Bắc Quang tiếp tục được TCC theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển các sản phẩm chủ lực đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, dịch vụ hóa trong sản xuất theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ.