Nông nghiệp Cao Bằng khẩn trương khôi phục sản xuất sau mưa lũ
Mưa lũ kéo dài đã khiến nhiều diện tích lúa mùa, hoa màu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng bị gẫy đổ, ngập úng, mất trắng.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đang triển khai nhiều giải pháp giúp người dân khẩn trương khôi phục sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Thiệt hại nặng nề
Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng. Toàn tỉnh có hơn 2.200 ha cây trồng bị ngập úng, dập nát, hư hỏng và mất trắng khi đang vào thời kỳ thu hoạch.
Gia đình bà Hoàng Thị Hiếm (xóm Làng Can, xã Lương Can, huyện Hà Quảng) có 4.000 m2 diện tích trồng lúa bị ngập sâu trong nước. Bà Hiếm chia sẻ, xóm chưa bị ngập lụt dài ngày và thiệt hại lớn như năm nay. Từ đầu năm vụ lúa của nông dân đã ngập 2 lần. Lần ngập sau hoàn lưu bão số 3 còn làm xói mòn đất dẫn đến cây trơ gốc, thân bám đầy bùn đất, xác xơ. Lúc bị ngập úng, lúa đang thời kỳ trổ bông nên sau lũ lụt không thể phục hồi được, phần lớn là bị thiệt hại…
Hòa An là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, do nằm ở khu vực trũng thấp, địa phương thường xuyên bị ngập lụt khi có mưa bão lớn. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 2 đợt ngập úng nghiêm trọng làm trên 350 ha lúa, ngô, rau màu, dong giềng ngập úng; 4,4 ha nuôi cá truyền thống, lồng cá, lồng bè… bị cuốn trôi.
Chị Nông Thị Thường (xóm Nà Tẻng, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An) cho biết, gia đình đã xuống giống trồng rau 2 lần nhưng đều bị mất trắng. Với 700 m2 đất canh tác, trung bình gia đình thâm canh 3 - 4 vụ rau màu/năm. Năm nay, cứ trồng xuống lại bị hỏng do ngập úng. Không những không được thu hoạch mà đất còn bị rửa trôi, bạc màu khiến cho gia đình mất nhiều công sức cải tạo đất....
Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Anh (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) đã trơ trọi sau hai lần bị ngập úng. Những ngày sau lũ, các thành viên trong hợp tác xã không khỏi xót xa khi phải dọn dẹp, bỏ đi hơn 2.000 cây cà chua trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đang vào vụ thu hoạch; 5.000 cây giống ớt ngọt, ớt chuông, 1.500 cây hoa hồng ngoại, hoa hồng cổ, 4.000 chậu dâu tây, hơn 2.000 m2 diện tích trồng ngô cũng bị hư hỏng hoàn toàn. Các van tưới nước tự động ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng phần lớn cũng đã không thể hoạt động được...
Bà Nguyễn Thị Hưởng, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Anh cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, hợp tác chịu thiệt hại hơn gần 1 tỷ đồng. Hợp tác xã mong muốn Nhà nước hỗ trợ để tái sản xuất. Đặc biệt là hỗ trợ vốn để mua cây giống chuẩn bị vụ tiếp theo sớm và đúng thời vụ...
Tại Cao Bằng, cơn bão số 3 đã khiến trên 2.237 ha lúa, hoa màu bị ngập; 40,14 ha cây trồng lâu năm (quế, hồi, keo, trúc...) bị sạt lở đồ, gãy; 17,45 ha diện tích nuôi cá; 1,75 ha diện tích nuôi cá ruộng; 26 lồng, bè nuôi cá các loại bị trôi, hư hỏng; 3.219 con gia súc, gia cầm bị chết do sạt lở, cuốn trôi. Các địa phương bị thiệt hại nặng là huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hòa An và thành phố Cao Bằng....
Khẩn trương phục hồi sản xuất nông nghiệp
Sau ảnh hưởng của mưa lũ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đã thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời đề nghị các địa phương chủ động các giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, với diện tích đất nông nghiệp nhỏ, chưa đến 10% đất tự nhiên mà hiện nay tỉnh có hàng nghìn hecta bị ngập úng thì việc khôi phục sản xuất nông nghiệp rất quan trọng và đang được thực hiện một cách khẩn trương. Bước đầu, tỉnh sẽ dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các nông dân, hợp tác xã về cây, con giống...
Với tinh thần khẩn trương, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu người dân người dân trước mắt cần tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch ngay lúa mùa sớm; tập trung khoanh vùng, tiêu úng nhanh, khơi thông dòng chảy đối với diện tích lúa giai đoạn chuẩn bị trỗ bông...
Đối với diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, không thể khắc phục, nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng; cày đất phơi ải để hạn chế mầm bệnh, làm đất tơi xốp chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2025; chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày... góp phần tăng giá trị sản xuất trồng trọt.
Cùng với đó là theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó với những diễn biến xấu do thời tiết gây ra, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi kịp thời phát hiện và chủ động phòng chống một số sâu bệnh phổ biến bảo đảm năng suất các loại cây trồng...
Trong chuyến công tác kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Cao Bằng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: Việc khôi phục, tái sản xuất sau thiên tai cần nhiều thời gian, công sức. Tỉnh cần tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp cùng nông dân sớm khôi phục, tái thiết sản xuất nông nghiệp; tranh thủ trời nắng làm đất, trồng lại vụ mới, chuẩn bị cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Tỉnh cũng cần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững hơn, thích ứng với những thay đổi khó lường của thời tiết và đảm bảo nguồn cung cho thị trường...