Nông nghiệp Cao Phong phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm
Hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, nổi bật là vùng trồng cây ăn quả có múi và vùng trồng mía tím theo phương pháp nuôi cấy mô. Trên đà thắng lợi đó, kinh tế nông nghiệp huyện Cao Phong tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm.
HTX Hà Phong (Cao Phong) chuẩn bị đăng ký nâng cấp sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh.
Với quyết tâm tìm hướng đi mới cho sản phẩm, HTX Hà Phong - một trong những điển hình của huyện đang triển khai mô hình "Cam hữu cơ theo chuỗi sản xuất và chế biến ra các sản phẩm từ quả cam tươi". Anh Đặng Văn Ghi, Giám đốc HTX cho biết: Ngay từ khi thành lập, HTX đã lựa chọn sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm VietGAP, hiện tại xúc tiến chuyển đổi mô hình theo hướng hữu cơ. Ngoài sản xuất cam quả, HTX có 1 xưởng chế biến đặt tại xóm Môn. Dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động nhà máy với công suất 35.000 - 50.000 tấn nguyên liệu/năm, với dây chuyền công nghệ chế biến của Italia, công nghệ bảo quản của Nhật Bản. Hiện nay, trong các sản phẩm chế biến của HTX, có 4 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, gồm: cam quả và nước cam tươi lên men xếp hạng 4 sao, nước cốt cam và mứt ruột cam xếp hạng 3 sao. Riêng sản phẩm cam quả đã đăng ký gửi hồ sơ sản phẩm xếp hạng 5 sao của tỉnh. HTX tập trung phát triển thị trường tại các tỉnh miền Bắc, đã mở văn phòng tại Hà Nội để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tới đây, khi dây chuyền công nghệ chế biến và bảo quản mới đi vào hoạt động sẽ đi sâu hơn về chế biến hàng nông sản. Nguyên liệu đầu vào không chỉ dòng cây có múi, mà còn thu hút nguồn nguyên liệu khác (dứa, ngô ngọt, mía, khoai lang) từ các vùng trong tỉnh. Đồng thời, mở rộng cơ hội đưa sản phẩm chế biến vươn tới thị trường xuất khẩu.
Nhìn lại bước phát triển của kinh tế nông nghiệp địa phương trong những năm qua, đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Nông nghiệp của huyện tạo được bước ngoặt trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, vai trò khoa học công nghệ được phát huy mạnh mẽ trong ứng dụng vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích canh tác. Minh chứng cụ thể là việc đưa giống mía nuôi cấy mô về các xứ đồng đã tăng cao hiệu quả kinh tế, với giá trị thu nhập tăng 1,5-2 lần, thị trường tiêu thụ ổn định. Phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn được bà con nông dân toàn huyện tích cực hưởng ứng.
So với năm 2015, diện tích cây ăn quả có múi của huyện hiện tăng 1,77 lần, sản lượng niên vụ 2019-2020 đạt trên 36.000 tấn, tăng gấp 1,8 lần, vượt 14.000 tấn so với chỉ tiêu nghị quyết Đại hội; diện tích mía 2.703,2 ha, đạt 108% chỉ tiêu nghị quyết Đại hội, trong đó, đã phát triển 81,34 ha mía nuôi cấy mô, cải tạo 1.458,9 ha vườn tạp, tăng 301,9 ha. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, một số dự án chăn nuôi trâu sinh sản, vỗ béo... bước đầu đi vào hoạt động, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi. Toàn huyện duy trì gần 13 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với 638 lồng cá. Kinh tế nông nghiệp đã đóng góp quan trọng nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đến năm 2020, huyện có 4 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, xã Dũng Phong đạt chuẩn NTM nâng cao, có 7 khu dân cư NTM kiểu mẫu, bình quân mỗi xã đạt 15,5 tiêu chí.
Để thực hiện mục tiêu lớn của giai đoạn 2020-2025 là xây dựng NTM và phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, huyện đã đề ra chương trình hành động cụ thể, theo đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, đầu tư sản xuất, tập trung phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của địa phương. Sản xuất nông sản an toàn gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa và truy xuất nguồn gốc. Phát triển các cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị, các mô hình kinh tế trang trại gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tổ chức chỉ đạo xây dựng HTX, tổ hợp tác, các hình thức liên kết, hợp tác gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp về nông thôn, tham gia xây dựng NTM, thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Huyện phấn đấu duy trì, ổn định diện tích 2.600 ha cây ăn quả có múi, bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, 1.500 ha áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tập trung nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng tiếp thị cho sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống từ đầu vào đến đầu ra cây ăn quả có múi theo cánh đồng mẫu lớn. Ổn định diện tích mía hiện có 2.500 ha, nhân rộng mô hình trồng mía tím nuôi cấy mô, khuyến khích hỗ trợ, trao đổi giống mía trong Nhân dân, đến hết năm 2025 chủ động giống mía thế hệ F1, F2 để thay thế toàn bộ giống mía tím cũ. Quan tâm phát triển rau màu theo hướng an toàn. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, hướng đến xuất khẩu. Đối với chăn nuôi, tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng giống, tăng sức cạnh tranh trên thị trường bằng cách áp dụng chặt chẽ các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt vệ sinh môi trường, xây dựng, tham gia các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối. Về nuôi trồng thủy sản, đến năm 2025 có 765 lồng cá, trong đó, 500 lồng áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.