Nông nghiệp chuyển dịch để thích ứng với biến đổi khí hậu
PTĐT - Biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết cực đoan có tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội nói chung. Những năm gần đây, dấu hiệu của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh...
PTĐT - Biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết cực đoan có tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội nói chung. Những năm gần đây, dấu hiệu của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh xuất hiện rõ rệt hơn, trong đó, nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, vì vậy đòi hỏi cần có sự chuyển dịch để thích ứng, giảm nhẹ tác động tới sản xuất và hiệu quả kinh tế.
Những năm qua, thiên tai và các hiện tượng thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng, rét đậm, rét hại kéo dài, không theo quy luật; tần suất, cường độ thiên tai ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh kế của người dân. Thời tiết thay đổi cực đoan, nhiệt độ trung bình tăng cao, số ngày cực nóng và cực lạnh nhiều hơn, mùa vụ lại có khuynh hướng rút ngắn, bức xạ mặt trời mạnh hơn, các áp lực về hạn, ẩm càng cao là nguyên nhân gia tăng các loài sinh vật gây hại cho cây trồng cũng như phát sinh các bệnh mới. Với diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn tỉnh 110,7 nghìn ha; diện tích cây lâu năm 31,5 nghìn ha, thời tiết trái quy luật có ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất. Năm 2019, năng suất lúa bình quân đạt 55,97 tạ/ha, giảm 1,7% so với năm 2018, trong đó, năng suất lúa vụ chiêm xuân đạt 59,24 tạ/ha, giảm 4,6%. Nguyên nhân năng suất giảm là do vụ chiêm xuân thời tiết ấm, đan xen những ngày âm u, độ ẩm cao khiến sâu bệnh trên cây trồng phát sinh, phát triển, gây hại sớm hơn so cùng kỳ năm 2018; giai đoạn lúa chắc xanh bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa giông làm một số diện tích lúa bị đổ, ảnh hưởng đến năng suất.
Hiện tượng thời tiết bất lợi với chu kỳ thường xuyên và quy mô lớn đã kéo theo tình hình dịch bệnh phát triển trên cây trồng, vật nuôi phức tạp hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Biến đổi khí hậu khiến rút ngắn thời gian tăng trưởng của lúa và hoa màu, giảm năng suất cây trồng. Nguồn nước để phục vụ sản xuất vụ xuân có khả năng bị thiếu hụt, nguy cơ xảy ra khô hạn trên diện rộng. Năm 2019, mùa mưa lũ chính vụ trên các sông chảy qua địa bàn tỉnh xuất hiện ít lũ, đặc biệt là dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của gia súc, gia cầm với hiện tượng rét đậm, rét hại hoặc nắng nóng kéo dài, làm giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi; khiến phát sinh một số bệnh mới đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển thành dịch hay đại dịch trong những năm gần đây như: Cúm gia cầm; tai xanh ở lợn, lở mồm long móng, dịch tả lợn... đồng thời tác động trực tiếp, làm thay đổi mực nước sông, hạn hán bất thường xảy ra, lũ lụt không theo quy luật. Những năm gần đây, tình trạng mưa lớn, trong đó có mưa cục bộ ở nhiều khu vực vượt mốc lịch sử, hiện tượng mưa trái mùa như mưa sớm hơn và mưa muộn cuối vụ sau khi các hồ chứa đã tích đầy nước gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng.Như vậy, biến đổi khí hậu tác động đến nhiều mặt của sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó. Cụ thể, trong trồng trọt, đã thực hiện luân canh, xen canh, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao. Chuyển đổi diện tích trồng lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây chịu hạn khác có hiệu quả cao hơn. Tỉnh đã thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, trồng cỏ chăn nuôi ở những vùng cao hạn và kết hợp nuôi trồng thủy sản ở những vùng trũng thấp. Năm 2019, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đạt 1.179,6ha, chủ yếu trên diện tích đất 1 vụ lúa mùa, trong đó chuyển sang trồng chuối 40ha, cây ăn quả 35ha, cây gai xanh 7ha, rau 616,5ha, ngô 396,7ha. Trong chăn nuôi, tập trung vào thay đổi giống vật nuôi, kỹ thuật nuôi; đẩy mạnh công tác thú y và phòng, chống dịch bệnh, phun thuốc khử trùng định kỳ; sử dụng giống vật nuôi có sức đề kháng cao, thích nghi hơn với điều kiện thay đổi của thời tiết; duy trì mật độ đàn nuôi hợp lý. Đối với hoạt động nuôi thủy sản, các địa phương hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu giống, chuyển sang các giống có tỷ lệ sống cao, thích nghi được môi trường; điều chỉnh thời vụ xuống giống để thu hoạch trước mùa mưa bão. Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh thủy sản được quan tâm, góp phần đảm bảo an toàn sản xuất.Huyện Thanh Thủy có diện tích trồng lúa 2.900ha, trong đó lúa chất lượng cao chiếm khoảng 85%, diện tích nuôi thủy sản 1.300ha. Ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Để đảm bảo năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi, ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, các địa phương trong huyện chỉ đạo sát sao theo khung lịch thời vụ. Với diện tích đồng chiêm trũng thực hiện trồng lúa tái sinh, mô hình một lúa, một cá. Huyện Thanh Thủy có hoạt động nuôi thủy sản khá phát triển, nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra, các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản các biện pháp bảo vệ trong mùa mưa bão, nhất là ở những vùng trũng, ven sông, nơi có nguy cơ ngập úng cao. Kiểm soát, hướng dẫn người dân nuôi cá lồng trên sông chuyển đổi có hiệu quả cơ cấu giống và thời vụ nuôi, đảm bảo thích ứng với hoạt động xả lũ các hồ thủy điện phía thượng nguồn. Để hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu tới ngành nông nghiệp, đòi hỏi phải tiến hành tổng thể nhiều giải pháp. Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính... Hệ thống công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng trong điều tiết nước sản xuất và có vai trò quyết định trong phòng chống lũ, chống úng ngập. Vì vậy, tiếp tục nghiên cứu các phương án, có hướng quy hoạch, nạo vét hệ thống kênh mương, củng cố và nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm điện bảo đảm vững chắc bơm tưới, tiêu, phục vụ kịp thời cho sản xuất. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả phát triển lâm nghiệp và các chương trình, dự án kết hợp với đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, chất lượng rừng, nâng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, rửa trôi đất, tạo nguồn sinh thủy. Tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt và công nghệ cao trong nông nghiệp; nghiên cứu ứng dụng các mô hình tổng hợp, nông nghiệp ven đô, nông lâm kết hợp. Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi điều kiện, chế độ canh tác, phục vụ sản xuất hàng hóa, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng. Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết: Ngành nông nghiệp điều chỉnh linh hoạt lịch thời vụ phù hợp với những thay đổi về khí hậu so với quy luật nhằm hạn chế tác động của thiên tai, sâu bệnh, tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong canh tác như: Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng phân bón hữu cơ, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI… Trong canh tác lúa, vụ xuân tập trung hầu hết vào trà xuân muộn; vụ mùa chủ yếu trà mùa sớm, mùa trung để tránh thiên tai, giảm tác hại của sâu bệnh cuối vụ. Ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày, giống chịu hạn, úng; giống có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất thuận. Trước mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp công bố danh mục về cơ cấu giống, nêu rõ ưu, nhược điểm, thời vụ của từng loại cây để bà con lựa chọn loại phù hợp nhất. Tính dự báo trong sản xuất nông nghiệp rất quan trọng trong việc điều chỉnh cơ cấu giống và khung thời vụ, vì vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, có quy hoạch, kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế để hạn chế thấp nhất thiệt hại do biến đổi khí hậu, tạo tiền đề cho nông nghiệp phát triển bền vững.