Nông nghiệp Đắk Lắk thêm vững chắc nhờ đa trụ cột
Giá trị thỏa đáng đạt được từ nhiều loại nông sản đang tạo thuận lợi để nông dân Đắk Lắk xác định cơ cấu cây trồng phù hợp, qua đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn 'trồng chặt, chặt trồng' khi các loại nông sản liên tục được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa. Cùng với đa canh, xen canh đa lợi ích, nông dân Đắk Lắk đã quan tâm hơn đến đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng.
Nhìn vào thành quả trên 2ha cà phê, hồ tiêu xanh mướt với nhiều tầng cây che bóng của ông Trần Cao Thiện, thôn Ea Ngai, xã Dleya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk giữa cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, ít ai biết rằng 4 năm trước ông đã phải đấu tranh với chính mình để quyết định duy trì, tập trung nâng cao chất lượng vườn cây. Bởi khi đó, giá tiêu hạt và cà phê chỉ loanh quanh ở mức dưới 40.000 đồng/kg, càng làm càng lỗ.
Trong khi giá sầu riêng có thời điểm lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg, các nhà vườn xung quanh ồ ạt chặt bỏ cà phê, hồ tiêu sang trồng sầu riêng, ông Trần Cao Thiện vẫn giữ vườn cà phê của mình. Ông Thiện xác định: “Cây cà phê vẫn là cây chủ chốt. Kể cả cây sầu riêng cũng không biết là sau này giá cả thế nào nhưng cây bền vững nhất vẫn là cây cà phê. Giá cà phê có xuống đi chăng nữa thì giá mình bán hàng cà phê chất lượng cao thì giá vẫn cao, không thể thấp được”.
Thay vì để thị trường chi phối hoàn toàn đến tâm lý sản xuất, khi giá mặt hàng nông sản nào cao thì đổ xô trồng cây đó, rồi khi giá cả xuống thấp lại chặt bỏ, nay nhiều nông dân ở Đắk Lắk đã chọn đa dạng hóa cây trồng trên 1 đơn vị diện tích. Ông Cao Văn Thắng, ở xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, gia đình có mảnh vườn gần 2ha, trước đây cũng từng quẩn quanh “trồng - chặt”, “chặt - trồng”, kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau. Từ khi kết hợp trồng xen hồ tiêu, sầu riêng, một số loại cây ăn trái vào vườn cà phê thu nhập của gia đình ông ổn định hơn. Dù giá cà phê xuống thấp thì thu nhập từ các loại cây khác cũng đều đều 300 triệu/năm.
“Đầu tiên trồng cà phê, sau đó thấy người ta trồng hồ tiêu, thấy giá lên phá gần hết còn có mấy sào cà phê nữa thôi. Làm hai ngàn mấy trụ nhưng lại thất thu. Giờ làm lại cà phê, vừa một ít sầu riêng, vừa một ít mắc ca. Giờ rút kinh nghiệm. Ngày xưa vì mình theo lợi nhuận cao quá, may mà không vỡ nợ. Giờ người ta không làm một cây nữa, người ta trồng nhiều loại cây để thu nhập quanh năm”, ông Cao Văn Thắng nói.
Không chỉ đa dạng hóa cây trồng, nông dân ở Đắk Lắk còn quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Các giải pháp nâng cao năng xuất, chất lượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng được người dân áp dụng. Ông Lê Đình Tư, ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có hơn 4ha trồng cà phê. Đối với diện tích cà phê đang giai đoạn kiến thiết ông trồng xen thêm nhiều loại cây họ đậu, cây sả, cây thuốc nam… Việc trồng xen canh giúp ông Tư tăng thu nhập thường xuyên, giảm chi phí sản xuất do hạn chế đất bị khô, giảm đi lượng nước tưới; một số loại cây có thể tạo ra chất dinh dưỡng giúp những loại cây khác phát triển.
“Đa tầng tán trong vườn, có cây rừng, có vườn cây ăn trái, có cà phê, có thảm cỏ, tạo ra một hệ sinh thái rất bền vững trong vườn. Thứ hai, nó tạo ra một tiểu vùng khí hậu rất tốt, tạo ra môi trường trong lành đầy ô xy làm cho vườn đó chất lượng không chỉ đem lại sức khỏe cho người nông dân mà còn cho cả cộng đồng”, ông Tư cho biết.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 213.000ha cà phê, sản lượng hàng năm đạt từ 550.000 tấn cà phê nhân trở lên. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, việc đa dạng hóa cây trồng trong các vườn cà phê chỉ mới chiếm hơn 40% diện tích. Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đa dạng hóa các loại cây trồng trong vườn cà phê. Đây được xem là một trong những giải pháp mang lại nhiều hiệu quả cả về kinh tế và môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nong-nghiep-dak-lak-them-vung-chac-nho-da-tru-cot-post1088317.vov