Nông nghiệp Hạ Hòa: Những bước chuyển tích cực

PTĐT - Thực hiện chủ trương của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua nông nghiệp huyện Hạ Hòa đã có những bước chuyển tích cực, nhiều mô hình sản xuất thủy sản, cây trồng ứng dụng công nghệ cao...

Mô hình trồng cam Cao Phong theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Trần Anh Tuấn ở xã Y Sơn.

Mô hình trồng cam Cao Phong theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Trần Anh Tuấn ở xã Y Sơn.

PTĐT - Thực hiện chủ trương của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua nông nghiệp huyện Hạ Hòa đã có những bước chuyển tích cực, nhiều mô hình sản xuất thủy sản, cây trồng ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Nhờ đó giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân được nâng cao.

Khu nhà lưới trồng dưa và các loại rau sạch của Công ty TNHH Biển Xanh là mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) sản xuất trong nhà lưới đầu tiên tại huyện Hạ Hòa. Anh Hà Văn Tú, giám đốc công ty cho biết: Năm 2018, cùng người bạn có kinh nghiệm làm NNCNC tại Isarel, chúng tôi góp vốn thành lập doanh nghiệp và quyết định đầu tư xây dựng nhà lưới với diện tích hơn 2.000m2 tại xã Mai Tùng tiến hành trồng dưa lưới. Sau khi nhận thấy sự phát triển cũng như hiệu quả cao của trồng cây trong nhà lưới, cuối năm 2019, công ty đã xây dựng tiếp 1 nhà lưới tại xã Hiền Lương để trồng dưa và các loai rau sạch. Đây là mô hình sản xuất trong nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, sản phẩm được sản xuất theo hướng 5 không gồm: Không phân bón hóa học; không chất kích thích sinh trưởng; không thuốc bảo vệ thực vật hóa học; không chất diệt cỏ; không biến đổi gen. Trang trại tận dụng chất thải trồng trọt và phân động vật làm phân bón, kết hợp canh tác cơ giới để tăng hiệu quả, kiểm soát cỏ dại, sâu bệnh, sau khi thu hoạch trừ chi phí thu lãi khoảng 600-800 triệu đồng/năm. Từ mô hình NNCNC công ty sẽ kết hợp các dịch vụ du lịch trải nghiệm từ đó nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế và quảng bá rộng rãi hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tới các du khách. Anh Tú cho biết: “Những tiện lợi mà hệ thống nhà màng mang lại góp phần không nhỏ trong việc tăng thu trên đơn vị diện tích nhờ vào việc tiết kiệm khá nhiều chi phí. Do có hệ thống lưới bao quanh nên cản trở được côn trùng xâm nhập, hạn chế việc phá hoại, giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, rau, quả trồng trong nhà màng gần như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đạt tiêu chuẩn an toàn và giá thành hạ, công chăm sóc giảm”.
Ngược lên xã Y Sơn, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cam Cao Phong xen canh các loại chanh, ổi… cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm của gia đình anh Trần Anh Tuấn ở khu 6. Đây là một trong những mô hình trồng cây ăn quả CNC theo tiêu chuẩn VietGAP với những quy trình khắt khe. Cái duyên đưa anh Tuấn đến với cây cam bắt đầu từ năm 2009, sau khi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cam Cao Phong, anh đã trồng thí điểm một số cây tại vườn nhà. Thấy quả to, ăn ngọt và có khả năng nhân rộng, anh Tuấn quyết định đầu tư vốn cải tạo 4ha diện tích đất đồi bạc màu để trồng 4.500 gốc cây ăn quả, trong đó cây cam là chủ lực, trong đó: Cam canh là 1.500 cây, cam V2 (Valencia- 2) 1.000 cây; cam lòng vàng 500 cây; chanh đào 1.000 cây... “Sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC giúp chi phí về vật tư và công lao động giảm nhiều, nhưng lại cho năng suất cây trồng cao gấp 1,5 lần, chất lượng đồng đều. Hiện tại, sản phẩm của trang trại thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó” - anh Tuấn chia sẻ.Những điều kiện thuận lợi mà người làm nông nghiệp tham gia các mô hình được thụ hưởng nằm trong chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được UBND huyện Hạ Hòa triển khai từ đầu năm 2017. Thực hiện Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện Hạ Hòa đã có kế hoạch cụ thể như phát triển cây ăn quả, thực phẩm an toàn, sản xuất đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường… Trong 3 năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đạt gần 10 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách huyện đạt gần 4,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng CNC cần vốn đầu tư lớn, quy trình sản xuất chặt chẽ, hàm lượng tri thức cao, sản lượng cao đòi hỏi thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định…Ông Văn Thanh Quân- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hạ Hòa cho biết: “Ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi chủ lực trong thời gian tới của huyện. Không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn, ngành nông nghiệp huyện cũng sẽ sát sao từng mô hình để hướng dẫn người nông dân những giải pháp an toàn sinh học, bền vững là giải pháp phù hợp đối với sản xuất nông nghiệp trong tương lai”.Việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây không chỉ là hướng đi của riêng huyện Hạ Hòa mà là hướng đi của nhiều địa phương trong tỉnh. Từ việc xây dựng và ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp sẽ làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp, hình thành và phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Từ đó giá trị các sản phẩm nông nghiệp sẽ được nâng cao về cả lượng và chất, thu nhập của người nông dân sẽ được tăng lên đáng kể so với làm nông nghiệp truyền thống như hiện nay.

Giang Ngân

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202008/nong-nghiep-ha-hoa-nhung-buoc-chuyen-tich-cuc-172471