Nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn 'kết trái' giữa khó khăn bội phần
Sản lượng thủy hải sản đạt cao, giá trị lớn so với cùng kỳ; lúa xuân phát triển tốt nhờ chủ động kiểm soát sâu bệnh hại là những 'mảng màu' tươi sáng trong sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh từ đầu năm đến nay.
Đánh bắt hải sản nhiều tin vui
Mẻ cá vàng dương cập bến Cồn Gò của ngư dân Lê Xuân Tiến, thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên thu 600 triệu đồng (ngày 25/4/2021). Ảnh: Hương Thành
Những ngày qua, ngư dân các xã vùng biển Hà Tĩnh liên tục đón nhận tin vui vì trúng đậm luồng cá vụ nam. Từ các loại cá nục, cá bạc má, cá trích đến các loại hải sản có giá trị cao như: ghẹ, mực, cá vàng dương… đều theo những chuyến tàu ăm ắp vào bờ, làm náo nhiệt những bến cảng từ lúc trời còn chưa rạng.
Ông Trần Văn Thanh - ngư dân xã Thạch Long (Thạch Hà) sau mấy giờ ra biển đã “bắt” được luồng cá lớn. Vừa đẩy cá vào bờ, ông rạng ngời khoe: “Tôi vừa cho thuyền ra biển từ 4h chiều hôm trước, thật may là thời tiết thuận lợi nên luồng cá về ổn định. Lần ra biển này, anh em chúng tôi thu được 7 kg mực ống và hơn 2 yến cá các loại. Bây giờ vào bờ bán xong thì chiều nay lại ra khơi tiếp”.
Ngư dân phấn khởi vì được mùa, được giá vụ cá nam
Thu được mẻ cá lớn, bà con ngư dân còn vui mừng vì sức tiêu thụ vụ cá nam đang rất tốt, giá bán cao. Theo bà con ngư dân, hiện nay, giá mực ở khoảng 170 - 200 nghìn đồng/kg; ghẹ từ 150 - 200 nghìn đồng/kg; các loại cá trung bình từ 50 - 80 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, có những loại đặc sản thì có thể đạt 300 nghìn đồng/kg.
Cách đây ít hôm, vùng biển xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) không khỏi trầm trồ vì mẻ cá vàng dương “khủng” cập bến Cồn Gò của ngư dân Lê Xuân Tiến (thôn Xuân Bắc). Gần 300 con cá vàng dương với trọng lượng khoảng 7 - 10 kg/con (tổng trọng lượng hơn 2 tấn), ngư dân này thu về hơn 600 triệu đồng chỉ trong một đêm đi biển. Điều đáng nói, dù bán với giá khá “chát” - 300.000 đồng/kg nhưng chưa đầy buổi sáng, hàng đã hết sạch.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, 3 tháng đầu năm, sản lượng khai thác toàn tỉnh ước đạt 12.521 tấn, tăng gần 4% so cùng kỳ. Những tín hiệu tươi sáng này báo hiệu cho một vụ cá nam bội thu của bà con ngư dân Hà Tĩnh.
Cùng với bức tranh sản xuất tươi mới từ khai thác hải sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản cũng ước đạt 3.649 tấn. Hiện nay, các vùng nuôi đã sẵn sàng để thả giống vụ tôm xuân hè.
“Đồng cam cộng khổ” kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi
Cán bộ thú y tiêm phòng dịch viêm da nổi cục trên đàn bò
Thời điểm này, ngành chăn nuôi vẫn đang gồng mình với dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, ngành chuyên môn và người chăn nuôi cùng "đồng cam cộng khổ”, tuân thủ công tác phòng chống dịch, khống chế mầm bệnh lây lan và bảo vệ đàn vật nuôi. 4 tháng đầu năm, tổng đàn lợn đạt 378.044 con, tăng 5% so cùng kỳ năm 2020; đàn bò 166.132 con, đạt 95% kế hoạch năm 2021. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 29.420 tấn (tăng 15% so cùng kỳ năm 2020), trong đó, lợn tăng 17,4%, trâu, bò tăng 4%, gia cầm tăng 15,5%.
Trong bối cảnh khó khăn, ngành chuyên môn và người chăn nuôi cùng "đồng cam cộng khổ” bảo vệ đàn vật nuôi.
Điều quan trọng, hình thức chăn nuôi chuyển hướng tập trung và thâm canh cao với 58% đàn lợn được chăn nuôi theo trang trại và hình thành 2 trang trại chăn nuôi bò có quy mô từ 500 - 2.100 con; tỷ lệ bò lai Zêbu, bò thịt chất lượng cao chiếm gần 54% tổng đàn.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Ngành chuyên môn đã tập trung cao công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chăn nuôi cho người dân. Cùng đó là tăng cường cao nhất công tác giám sát, bao vây và khống chế dịch bệnh ở diện hẹp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra”.
... và ráo riết phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân
Cũng gặp muôn vàn khó khăn khi lúa xuân phải đối mặt với bao sự “dòm ngó” của dịch bệnh nguy hiểm như đạo ôn, khô vằn..., nhưng dưới sự chủ động của bà con nông dân cùng sự sâu sát, kịp thời của chính quyền và ngành chuyên môn, đến nay, dịch bệnh trên lúa cơ bản được kiểm soát tốt.
Ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Vụ xuân 2021, huyện sản xuất 9.500 ha lúa, đến thời điểm này đã cơ bản trổ xong. So với những năm trước đây, bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp hơn khi tất cả các loại giống đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Trước tình hình này, chúng tôi đã khuyến cáo và chỉ đạo đến tận các địa phương chủ động phun phòng trừ sớm. Đến nay, 100% diện tích trong diện phòng trừ đều đã được phun thuốc, có nhiều diện tích được phun phòng lần 2”.
Bưởi, cam ra hoa đạt hiệu quả báo hiệu một mùa bội thu
Cùng với lúa, các loại cây trồng khác đều hoàn thành diện tích theo kế hoạch, trong đó: cây trồng cạn đạt 21.835 ha (đạt 96,3% kế hoạch); diện tích trồng mới cam đạt 25 ha, bưởi 32 ha, nâng tổng diện tích cam lên 7.428 ha, bưởi lên 3.681 ha và tất cả đang sinh trưởng tốt, an toàn với sâu bệnh...
Theo Sở NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đầu năm đến nay ước đạt cao hơn mức bình quân cả nước; các loại cây trồng phát triển theo định hướng chất lượng, cánh đồng lớn; vật nuôi giữ được cả tổng đàn và lượng thịt hơi xuất chuồng nhằm đảm bảo sự cân bằng và bình ổn thị trường... Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, song, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trụ đỡ, giúp tỉnh vượt qua “sóng lớn”.