Nông nghiệp - hướng đi vững chắc của xã Linh Hồ

Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt 6 nghìn tấn, vượt 3,63% so với kế hoạch, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha; tổng đàn trâu 2.633 con, lợn 8.512 con, tổng đàn gia cầm 62.730 con... cùng với đó là các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại lớn ngày một xuất hiện nhiều trên địa bàn. Đó là những thành quả trong việc phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương bằng những cây, con, giúp người dân xã Linh Hồ (Vị Xuyên) có thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi vịt của gia đình anh Nguyễn Văn Quyết, thôn Bản Sáng.

Mô hình nuôi vịt của gia đình anh Nguyễn Văn Quyết, thôn Bản Sáng.

Với lợi thế như: Diện tích đất bằng phẳng, màu mỡ, giao thông thuận lợi và đặc biệt người dân nhận thức được việc phát huy lợi thế của địa phương nỗ lực xây dựng kinh tế từ nông nghiệp. Xã có các mô hình phát triển kinh tế, hợp tác xã (HTX) tiêu biểu về chăn nuôi vịt, gà, lợn, HTX trồng nấm... Với việc chọn giống bản địa như lợn đen, gà thả đồi và áp dụng cách chăn nuôi truyền thống kết hợp hiện đại trong việc chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm; phát triển và mở rộng gian trồng nấm; người dân nơi đây đã tự tin, đứng vững với nghề của mình.

Chia sẻ về cách làm và hiệu quả trong việc thành công, anh Nguyễn Văn Quyết, người dân thôn Bản Sáng cho biết: “Từ những định hướng và các cơ chế chính sách trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp của huyện, xã và tham gia nhóm sở thích chăn nuôi tại thôn, gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi hơn 3.000 con vịt và gà. Trên những lợi thế như: Có diện tích ao hồ, đồi và bản thân từng học về ngành chăn nuôi... song song với đó, gia đình chọn nuôi theo phương pháp hữu cơ, bằng việc tận dụng diện tích ao nuôi cá rô, đất ruộng trồng ngô,... tạo nguồn thức ăn cho đàn gia cầm, qua đó, chất lượng thịt được đảm bảo, kết hợp với việc nuôi gối đàn. Có được sản phẩm, gia đình không ngừng mang đi giới thiệu tại các phiên chợ và các nhà hàng. Sau hơn 4 năm đầu tư chăn nuôi, tổng đàn gà, vịt của gia đình hiện đã lên tới 6.000 con. So với những ngành nghề khác, bản thân tự tin có thể làm giàu được từ nông nghiệp...”

Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 HTX nông nghiệp; 14 tổ hợp tác; trong đó, có 2 tổ có quỹ với hơn 60 triệu đồng; 18 nhóm sở thích với 182 thành viên trên lĩnh vực phát triển cây trồng và vật nuôi. Đánh giá về sự thay đổi trên lĩnh vực nông nghiệp của xã, đồng chí Hoàng Văn Hè, cán bộ khuyến nông xã cho biết: “là người dân bản địa và cũng là cán bộ trên lĩnh vực nông nghiệp của xã lâu năm, với cái nhìn của bản thân cùng những con số của ngành cho thấy, những năm gần đây, kinh tế của xã ngày một phát triển, người dân đã biết làm giàu trên mảnh đất của mình. Một trong những đòn bảy, tác động lớn nhất tới nền kinh tế của xã đó là những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và hướng đi đúng đắn của xã trong việc khuyến khích người dân phát triển kinh tế từ nông nghiệp. Từ đó, đã hình thành nên những nhà nông tiêu biểu, những “phú nông” tạo đà cho sự phát triển bền vững...”.

Để tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, HTX hiệu quả, đồng chí Lê Hữu Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Bức tranh kinh tế của xã đang ngày một hé lộ, với việc phát triển lợi thế trên lĩnh vực nông nghiệp; các mô hình, HTX không ngừng nhân rộng về số lượng, quy mô. Để duy trì, tạo tính lâu dài, xã đã đưa ra các định hướng và mục tiêu như: tiếp tục nhân rộng và tìm nguồn đầu tư mở rộng quy mô dịch vụ nông nghiệp; tạo mối liên kết bền vững giữa các HTX và nhóm sở thích trên địa bàn góp phần tạo thương hiệu sản phẩm, nguồn hàng dồi dào; tận dụng diện tích phát triển cây ăn quả, vận động người dân cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả; hướng người dân đến sản xuất hữu cơ và đảm bảo an toàn sinh học, giữ gìn vệ sinh môi trường...”.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202003/nong-nghiep-huong-di-vung-chac-cua-xa-linh-ho-756881/