Nông nghiệp: lợi nhuận không 'đồng hành' với kim ngạch xuất khẩu
Xuất khẩu nông sản năm nay đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, nhưng trái với con số lạc quan về tổng giá trị xuất khẩu, tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành có xu hướng giảm kể từ năm 2020.
Ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục phá vỡ những kỷ lục xuất khẩu, với kết quả trong hai năm 2021-2022 lần lượt là trên 48,6 tỉ đô la Mỹ và 53,22 tỉ đô la Mỹ, thặng dư thương mại toàn ngành khoảng 6 tỉ đô la năm 2021 và 8,5 tỉ đô la năm 2022, mở ra hy vọng người nông dân có thể làm giàu được từ trồng lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy hải sản. Nhưng tiếc rằng đó vẫn chỉ là ước mơ.
Báo cáo Tình hình và triển vọng của các doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam trước các biến động toàn cầu, do FiinGroup công bố cuối tháng 7-2023, đưa ra những thông tin rất đáng suy ngẫm. Nó cho thấy dường như tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp đang tiến đến điểm bão hòa.
Ngược chiều với giá trị xuất khẩu và thặng dư thương mại, tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn ngành nông nghiệp giảm từ 13,2% vào năm 2021 xuống 11,9% vào năm 2022. Tính riêng từng ngành hàng, đối với lúa gạo, tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm từ gần 17% vào năm 2021 xuống còn 13,5% vào năm 2022. Đối với ngành cà phê, con số tương ứng là 8,1% năm 2021 và 6,6% năm 2022.
Theo các chuyên gia FiinGroup, xu hướng này thể hiện sự suy giảm trong khả năng sinh lời của ngành nông nghiệp do chi phí sản xuất leo thang mà nguyên nhân chính là giá nguyên liệu, vật tư đầu vào như phân bón, hạt giống và máy móc tăng.
Quả thật, những hạn chế của ngành nông nghiệp đã được thừa nhận tại cuộc họp của Quốc hội tháng 6-2022. Cụ thể, dù Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Khi đó, theo báo cáo từ phía Chính phủ, Việt Nam phải nhập khẩu 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, 42% phân bón…
Về giống cây trồng, thông tin từ một cuộc hội thảo được tổ chức tháng 8-2022 thể hiện, Việt Nam chủ động được 60% giống bắp và 10% hạt giống rau quả.
Viễn cảnh không khả quan, ít nhất là trong ngắn hạn, cũng được báo cáo nêu trên của FiinGroup đưa ra. Các chuyên gia nhận định, triển vọng sinh lời giảm sút cùng với rủi ro căng thẳng thương mại và biến đổi khí hậu làm giảm sức hút của doanh nghiệp đối với ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ bốn năm qua, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm và sự chênh lệch lớn dần giữa số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và số lượng doanh nghiệp tái hoạt động.
Tư duy kinh tế nông nghiệp đã xuất hiện, thế nên, tăng khả năng tự chủ trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất là mục tiêu đã, đang và sẽ được kiên trì theo đuổi. Tất nhiên, kết quả không thể đến trong một sớm một chiều.
Đồng hành cùng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để cất cánh trong nông nghiệp sẽ là một lựa chọn được nhiều người tin tưởng. Tuy nhiên, chọn đối tác hỗ trợ cho ngành hàng nào, ở khâu nào trong quy trình sản xuất là điều cần phải tính toán kỹ lưỡng. Ngoài lợi ích thị trường, ưu thế về vốn và công nghệ của khối FDI có thể gây bất lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nội địa.
Tối ưu hóa các khâu liên quan như logistics, công nghệ sau thu hoạch, phát triển thị trường cao cấp để tăng giá bán các sản phẩm nông nghiệp chắc chắn sẽ làm tăng lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp tham gia, trong đó có doanh nghiệp sản xuất. Vậy nhưng, vẫn phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, tương tự như khâu sản xuất, chúng ta vẫn đang miệt mài tìm giải pháp hóa giải những yếu kém trong logistics, đảm bảo chất lượng và tìm đầu ra cho nông sản.
Ngay cả đối với “ngôi sao sáng” sầu riêng, đã ghi nhận hiện tượng một số lô sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam quá non, đến mức không thể chín ép hoặc chất lượng quá kém tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Một tin buồn không kém, những ngày đầu tháng 9-2023, trái thanh long xuất xứ Việt Nam đã bị loại khỏi một số siêu thị ở Anh do bị xác nhận có dư lượng thuốc trừ sâu.
Từ năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã tuyên bố người trồng thu hoạch và bán sầu riêng chưa chín có thể sẽ bị phạt tù lên đến ba năm và chịu mức phạt lên tới 60.000 bath. Rõ ràng, đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam, nếu chưa làm tốt, ít nhất hãy làm đúng.