Nông nghiệp, một năm đạt kết quả toàn diện, nổi bật

Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực của toàn ngành nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

 Thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Phương Hoan

Thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Phương Hoan

Khép lại năm 2019, có 8/8 chỉ tiêu thuộc ngành Nông nghiệp- PTNT đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năng suất, chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh không ngừng tăng lên. Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh trong năm 2019 đạt 4.121 tỉ đồng, tăng 4,92% so với năm 2018, vượt kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: Ngay trong vụ đông xuân, mưa rét kéo dài đã làm ngập úng đồng ruộng. Đầu vụ hè thu, nắng nóng với nhiệt độ cao, cùng với gió Tây Nam thổi mạnh kéo dài nhiều ngày, gây khô hạn nặng. Cuối năm, bão số 4 gây mưa lớn. Nhưng nhờ triển khai nhiều đồng bộ các giải pháp nên năng suất lúa bình quân của huyện vẫn đạt 62,03 tạ/ha, các loại rau màu cho nguồn thu nhập cao, nâng giá trị kinh tế trên 1 đơn vị diện tích đạt 88,7 triệu đồng/ha, tăng 14,3 triệu đồng so với năm 2018. Có được điều đó là nhờ huyện đã tích cực cơ cấu lại nông nghiệp, ban hành các chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, thành lập tổ, nhóm hợp tác, tổ chức sản xuất lúa hữu cơ 104 ha, mở rộng diện tích cánh đồng lớn lên 1.364 ha, lúa chất lượng cao 8.290 ha, thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất và thu hoạch, đặc biệt áp dụng các tiến bộ kĩ thuật thâm canh.

Còn ở Vĩnh Linh, ông Diệp Hồng Cương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện chia sẻ, năm 2019 sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục có những chuyển biến tích cực, khá toàn diện. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần tăng nhanh năng suất cũng như thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích. Đặc biệt việc triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho địa phương. Toàn huyện có hơn 9.650 ha diện tích canh tác đưa vào sản xuất cho giá trị thu nhập đạt từ 70 triệu đồng trở lên, trong đó có hơn 4.000 ha có giá trị thu nhập trên 150 triệu đồng.

Không chỉ lúa và hoa màu cho năng suất cao, các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu cũng được người dân thực hiện các biện pháp thâm canh, tăng sản lượng. Toàn tỉnh trồng mới rừng tập trung đạt 9.320 ha, vượt 55% kế hoạch và trồng phân tán 2,5 triệu cây các loại, nâng tỉ lệ độ che phủ rừng lên trên 50%, sản lượng gỗ khai thác đạt 945.00 m3 . Trong chăn nuôi, nhiều nơi đã nhân rộng mô hình nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung gắn với an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã lập dự án đầu tư và liên kết trong chăn nuôi đã góp phần đảm bảo bao tiêu đầu ra, đáp ứng được số lượng sản phẩm lớn và chất lượng cho thị trường. Tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi nhưng nhờ chủ động xây dựng phương án chuyển đổi nên tổng đàn gia cầm đạt 3.460.000 con, tăng 17,08% góp phần bù đắp thiệt hại xảy ra.

Trên lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh đến nay có 2.298 chiếc tàu thuyền, trong đó thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, có 25/32 tàu đóng mới, 93/118 tàu nâng cấp. Hầu hết các tàu tham gia khai thác ở vùng biển xa đã chọn nghề phù hợp, đánh bắt có hiệu quả, sản lượng thủy sản khai thác đạt 26.583 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.450 ha, sản lượng đạt 8.667 tấn. Trong đó đáng chú ý diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt 1.260 ha, sản lượng đạt 5.020 tấn, tăng gần 500 tấn so với 2018, giá trị sản xuất theo giá hiện hành ước đạt gần 760 tỉ đồng, tăng gần 100 tỉ đồng so với năm 2018. Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 52/117 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỉ lệ 44,4%, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 61 xã, chiếm tỉ lệ 52,1%, đạt mục tiêu kế hoạch trước 1 năm. Bên cạnh đó, 8 xã gồm: Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim, Cam Chính, Cam Hiếu, Hải Thượng, Tân Hợp, Gio Sơn, Triệu Đại đã tích cực triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay đã có 3 xã là Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim và Cam Chính đạt chuẩn, các xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2020; huyện Cam Lộ đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Trung ương thẩm định và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Có thể nói, tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp năm 2019 ở tỉnh Quảng Trị và dịch bệnh trên các loại cây trồng, con nuôi cũng gây không ít thiệt hại nhưng với mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, toàn ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đã có nhiều nỗ lực cộng với những kinh nghiệm đúc rút qua nhiều năm, làm tốt công tác chỉ đạo, quản lí, điều hành nên sản lượng lương thực vẫn đạt 286.000 tấn, vượt 10,1% kế hoạch đề ra. Đặc biệt là đã chuyển đổi sản xuất từ mục tiêu số lượng sang chất lượng, liên kết 4 nhà “Nhà nước- nhà doanh nghiệp- nhà khoa học và nhà nông”, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Lần đầu tiên liên kết với Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm trồng và tiêu thụ cây sâm bố chính với quy mô 3 ha ở xã Gio An. Tuy là cây trồng mới nhưng nhờ ứng dụng các biện pháp kĩ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hợp lí, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, sau khi đã trừ tất cả các chi phí cho lãi bình quân 118 triệu đồng/ha, cao hơn từ 60%- 80% so với các loại cây khác đang trồng tại địa phương. Với việc tập huấn, hướng dẫn người dân bón phân hữu cơ Ong Biển, ứng dụng các biện pháp bảo vệ thực vật sinh học, ủ cá bằng chế phẩm QTMic để làm phân cá bổ sung dinh dưỡng, lắp đặt bẫy lồng, đặt bả sinh học để dẫn dụ, bắt bướm chính hút quả, hạn chế tỉ lệ rụng quả, mô hình phát triển cây cam sạch bệnh ở vùng cam K4 (Hải Lăng) cho năng suất đạt 36 tấn/ha, cao hơn 15-25% so với trồng theo truyền thống, giá bán cao hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 700 triệu đồng/ ha, cao hơn vườn sản xuất theo truyền thống từ 150- 200 triệu đồng/ha. Đây là cơ sở quan trọng để áp dụng các gải pháp kĩ thuật canh tác cam theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Ở huyện Hướng Hóa, mô hình liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc trồng cây chanh leo cho thấy thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, đất đai, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha, chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Châu Âu, hiệu quả kinh tế mang lại sau khi trừ chi phí hơn 100 triệu đồng/ha. Mô hình trồng lúa hữu cơ tiếp tục liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam mặc dù chịu ảnh hưởng nặng của thời tiết bất lợi nhưng năng suất lúa bình quân vẫn đạt 52 tạ/ha, gạo có chất lượng cao, sản phẩm đã thâm nhập vào các siêu thị lớn trong cả nước, tham gia gian hàng thương mại tại một số nước như Trung Quốc, Thái Lan và nhận đơn hàng từ Mỹ, Qatar, Nhật Bản… khẳng định thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị đủ sức vươn tầm quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình cải tạo đàn bò đã mang lại kết quả tốt. Bò lai sinh ra ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, ưu thế lai nổi trội, tăng trọng bình quân 12-15 kg/con/tháng, đến 6 tháng tuổi đạt trọng lượng trung bình trên 100 kg. Giá bán bò lúc 6 tháng tuổi khoảng 6-8 triệu đồng, bò 1 năm có giá khoảng 10-14 triệu đồng. Ước tính một năm có khoảng trên 9.500 bê lai ra đời đã mang về lợi nhuận cao hơn nuôi bò nội hơn 20 tỉ đồng/năm.

Trên lĩnh vực thủy sản đã triển khai các mô hình ương tôm theo quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà kính, nuôi tôm thẻ chân trắng bể nổi tròn trong nhà lưới cho thấy tôm sinh trưởng tốt, sản lượng cao, doanh thu bình quân đạt 7,5 tỉ đồng/ha, lợi nhuận bình quân 2- 2,5 tỉ đồng/ha… Ngoài ra, trong năm 2019 đã xuất hiện thêm một số mô hình như sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, mô hình thâm canh cây cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với giống cam Xã Đoài lòng vàng, mô hình nuôi giống vịt biển, nuôi tôm kết hợp cá dìa và cua, nuôi cá leo trong ao, nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn theo công nghệ Biofloc, mô hình xây dựng vùng không nhiễm sinh vật gây hại, an toàn thực phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ trên cây hồ tiêu đều cho thấy kết quả bước đầu rất khả quan.

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, lấy khoa học- công nghệ làm then chốt, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch. Cùng với thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ tỉnh đã ban hành để tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phối hợp với các ngành, các địa phương tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong việc tổ chức sản xuất, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được khẳng định có hiệu quả. Hỗ trợ các địa phương xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và tìm các giải pháp giải quyết khâu tiêu thụ cho nông sản. Đồng thời, chủ động tham mưu tỉnh ban hành các chính sách về tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thành lập lực lượng quản lí đê nhân dân. Cùng với đó tham mưu tỉnh làm việc với các bộ, ngành trung ương để tham gia các dự án trọng điểm, hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…

Bá Thuần

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145066